chuyên môn thuộc UBND huyện
1.3.1. Yếu tố khách quan
- Đặc điểm của đối tượng được đánh giá: Đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện có những điểm chung với công chức các đơn vị khác nhưng cũng có những đặc điểm riêng biệt. Những điểm riêng biệt này xuất phát từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện. Những đặc điểm cơ bản của đối tượng được đánh giá cần lưu ý là:
+ Đặc điểm về nhân cách: Mỗi công chức là một cá thể độc lập, mang một đặc điểm nhân cách khác nhau chi phối đến tư duy, cách thức hành động, ứng xử của họ. Điều này dẫn đến những kết quả khác nhau trong giao tiếp công vụ, phương thức thực thi công vụ, quan hệ xã hội, quan hệ đồng nghiệp…
+ Đặc điểm về lao động: Cùng là công chức trong một cơ quan nhưng vị trí công tác khác nhau, mỗi người có một công việc riêng với những đặc điểm riêng, vì thế khi đánh giá phải chú ý đến đặc điểm này. Không thể cào bằng giữa một công chức ở ngạch chuyên viên với một công chức ở ngạch cán sự hay giữa công chức lãnh đạo, quản lý với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
+ Đặc điểm về chuyên môn, nghiệp vụ: Mỗi người được đào tạo ở những chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau phù hợp với vị trí công tác mà họ đảm nhận. Thực tế cho thấy nhiều cơ quan đánh giá theo xu hướng cào bằng giữa người này với người khác mà không chú ý đến việc vị trí việc làm của họ khác nhau. Cần đánh giá phù hợp giữa công chức giữ chức vụ lãnh đạo với công chức chuyên môn hoặc nhân viên phục vụ, hỗ trợ. Có như thế đánh giá mới thực sự khách quan và công bằng.
- Môi trường thực thi công vụ: Môi trường công sở luôn hàm chứa những yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị và vì thế có ảnh hưởng không nhỏ đến đánh giá công chức. Môi trường dân chủ, minh bạch sẽ khuyến khích công chức làm việc hết mình và cũng khuyến khích đánh giá khách quan, công tâm. Ngược lại môi trường thiếu dân chủ, thiếu minh bạch sẽ làm triệt tiêu những ý kiến đánh giá khách quan, khoa học. Mỗi công sở, mỗi vùng miền đều có những đặc điểm riêng về văn hóa, tính cách con người và đều có ảnh hưởng đến hoạt động công vụ của công chức. Cùng với đó là những vấn đề về cơ hội thăng tiến, sự ảnh hưởng của từng người trong cơ quan đều có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá.
Công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện thực thi chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn huyện. Bản thân họ đều có những thẩm quyền và những quyền nhất định, trong đó có những quyền lực mềm, có khả năng chi phối công tác của người khác, chi phối hoặc ảnh hưởng đến các mối quan hệ chính thức hoặc không chính thức và vì thế có ảnh hưởng rất lớn đến đánh giá trong thực thi công vụ.
1.3.2. Yếu tố chủ quan
Có rất nhiều yếu tố chủ quan có ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá công chức, đó là:
- Yếu tố thuộc chủ thể đánh giá: Ngoài chủ thể đánh giá chính thức theo quy định của pháp luật thì cũng còn có rất nhiều chủ thể khác tham gia vào quá trình đánh giá công chức. Những đặc điểm thuộc về tính cách, năng lực, phẩm chất, quyền lực, uy tín, … của chủ thể đánh giá có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá. Nếu chủ thể đánh giá đảm bảo tính khách quan, trung thực khi đánh giá thì kết quả mang lại sẽ chính xác ngược lại chủ quan, duy ý chí như tư tưởng bình quân, quá dễ dãi hoặc quá nghiêm khắc ... sẽ làm sai lệch kết quả đánh giá. Ngoài ra, trong quá trình đánh giá, mỗi chủ thể có cách thu thập các nguồn thông tin khác nhau nên cũng dễ dẫn đến kết quả đánh giá là khác nhau.
- Đối tượng đánh giá: Tất cả mọi công chức trong cơ quan đều là đối tượng đánh giá. Nhưng do đặc điểm của từng người có sự khác nhau như quan điểm, cách
sống, chức vụ …và đều có ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến công tác đánh giá. Thực tế cho thấy những công chức giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan đa phần đều được đánh giá tốt, bất luận kết quả công tác thực tế của họ như thế nào.
- Mục đích đánh giá: Đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện với mục đích chỉ ra được các ưu điểm, hạn chế của công chức, là căn cứ để cơ quan sử dụng bố trí phù hợp, phát huy sở trường, hạn chế sở đoản của công chức và thực hiện các chính sách khác đối với công chức nhằm nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đánh giá công chức hàng năm chủ yếu để thực hiện việc xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với cá nhân các công chức và tập thể cơ quan. Vì vậy các cơ quan nên hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đánh giá công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đây cũng chính là một trong những điểm hạn chế lớn nhất trong công tác đánh giá hiện nay.
- Nội dung, tiêu chí đánh giá: Nội dung, tiêu chí đánh giá công chức thiếu tính rõ ràng, khoa học, cụ thể, không phù hợp với từng đối tượng bị đánh giá sẽ không thể đưa đến một kết quả đánh giá khách quan, công bằng và sát thực được.
- Phương pháp đánh giá: Phương pháp đánh giá công chức được lựa chọn áp dụng một cách khoa học, hợp lý là cơ sở để có được kết quả đánh giá khách quan, công bằng và ngược lại có thể làm sai lệch kết quả đánh giá.