Chủ thể đánh giá công chức là những người tham gia vào quá trình đánh giá, đưa ra những nhận xét đối với mỗi công chức được đánh giá trên cơ sở những nội dung, tiêu chí đã được xác lập. Trong thực tiễn, chủ thể đánh giá công chức rất đa dạng. Mỗi chủ thể đánh giá đều có góc nhìn khác nhau nên cần tham khảo ý kiến của nhiều chủ thể để có kết quả đánh giá chính xác nhất. Hiện nay, các chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá bao gồm:
1.2.4.1. Bản thân công chức tự đánh giá
Cá nhân tự đánh giá là loại hình đánh giá tương đối phổ biến trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay. Trên cơ sở mẫu tự đánh giá do cơ quan quy định, cá nhân có thể đưa ra nhận xét của bản thân về chính mình. Ý kiến tự đánh giá của công chức được coi là kênh thông tin mang tính tham khảo, không chính thức bởi đó là ý kiến chủ quan của công chức. Khi tự đánh giá họ phải ý thức được kết quả thực thi công vụ gắn với thẩm quyền được trao mới có thể đưa ra kết quả chính xác của quá trình đánh giá. Khi chủ thể đánh giá là công chức, sẽ động viên, khích lệ họ tham gia vào tiến trình đánh giá.
1.2.4.2. Tập thể cơ quan đánh giá
Cùng với cá nhân tự đánh giá, hình thức tổ chức họp lấy ý kiến góp ý của tập thể nơi công chức công tác là hình thức rất phổ biến hiện nay. Người được lấy ý kiến là những đồng nghiệp có quá trình công tác thường xuyên, gắn bó với công chức. Họ có cơ hội để quan sát, nhận thấy được mặt mạnh, mặt yếu, tinh thần trách
nhiệm, phối hợp trong công việc, kỹ năng xử lý các tình huống cũng như thái độ phục vụ nhân dân của người được đánh giá. Tuy nhiên, khi đồng nghiệp đánh giá nhau cũng dễ bị chi phối, ảnh hưởng bởi các mối quan hệ cá nhân, bè phái, cục bộ hoặc chi phối từ ý chí chủ quan như yêu quý, cảm tình cá nhân thì nhận xét tốt và ngược lại hoặc tư tưởng “dĩ hòa vi quý” không muốn động chạm, mất lòng ai, đánh giá cào bằng, ai cũng như nhau nên đôi khi ý kiến nhận xét, đánh giá cũng sẽ không đảm bảo được tính công bằng, khách quan ảnh hưởng đến kết quả đánh giá. Do vậy, những góp ý, đánh giá của tập thể cơ quan cũng chỉ mang tính chất tham khảo trong quy trình thực hiện đánh giá công chức.
1.2.4.3. Thủ trưởng cơ quan đánh giá
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc đánh giá công chức là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức, do vậy, đây là chủ thể đánh giá quan trọng nhất. Đánh giá của thủ trưởng được thực hiện chủ yếu thông qua việc nhận xét, quyết định cuối cùng vào phiếu đánh giá và phân loại công chức. Hàng năm, sau khi công chức viết bản tự kiểm điểm, tập thể - đồng nghiệp nhận xét, góp ý, phần cuối cùng thuộc về nhận xét, đánh giá, xếp loại của thủ trưởng cơ quan. Vì vậy, đây là ý kiến nhận xét có ý nghĩa quyết định.
Trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, việc đánh giá Trưởng phòng và tương đương do Chủ tịch UBND huyện thực hiện, đánh giá Phó trưởng phòng và các công chức còn lại do Trưởng phòng các cơ quan chuyên môn thực hiện. Xuất phát từ tầm quan trọng của chủ thể đánh giá là thủ trưởng cơ quan nên trong thực tiễn cần phát huy dân chủ, tránh xu hướng độc đoán, chuyên quyền và phát huy tính tích cực, tinh thần trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện, của các Trưởng phòng và tương đương. Có như vậy, kết quả đánh giá mới thật sự khách quan, chính xác.
1.2.4.4. Người dân - đánh giá của những người ngoài cơ quan
Đó là cá nhân, tập thể ngoài cơ quan. Đây là kênh thông tin không chính thức, đặc biệt phù hợp với những nước phát triển dịch vụ công. Những người ngoài
cơ quan tham gia vào đánh giá, họ được xác định là khách hàng vì thế kết quả đánh giá của họ là một nguồn thông tin tham khảo rất cần thiết cho công tác đánh giá. Chính khách hàng này sẽ đặt ra yêu cầu đối với nền hành chính và từng công chức phải đáp ứng được các yêu cầu đó như thế nào. Để hoàn thiện nền hành chính thì cần phát huy vai trò kiểm soát của khách hàng đối với nền hành chính và vì thế cần phải xây dựng được hệ thống các công cụ, tiêu chí, cách thức để khách hàng tham gia đánh giá.