Nguyên tắc đánh giá

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện vĩnh linh, tỉnh quảng trị (Trang 27 - 29)

1.2. Cơ sở khoa học về công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn

1.2.3. Nguyên tắc đánh giá

Nguyên tắc đánh giá công chức được hiểu là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo làm nền tảng cho công tác đánh giá công chức mà các chủ thể có thẩm quyền đánh giá công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước phải tuân thủ trong quá trình đánh giá.

Đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện phải tuân thủ những nguyên tắc của đánh giá nhân sự nói chung như: Nguyên tắc công bằng, khách quan, không thiên vị; nguyên tắc khoa học, hợp lý; nguyên tắc chú trọng thành tích thực tế; nguyên tắc đánh giá kịp thời, thường xuyên.

Bên cạnh đó, đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau:

Thứ nhất, đảm bảo đúng thẩm quyền. Cán bộ do cấp có thẩm quyền quản lý đánh giá, công chức do người đứng đầu cơ quan đánh giá. Cấp nào, người nào thực hiện việc đánh giá thì đồng thời thực hiện phân loại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thứ hai, đảm bảo khách quan, toàn diện, công bằng, dân chủ, công khai. Đánh giá công chức là công việc có vai trò và tầm ảnh hưởng lớn đến các công tác khác, do vậy để đảm bảo hiệu quả, trước hết ta cần đánh giá khách quan, toàn diện. Nguyên tắc này đòi hỏi cá nhân, tổ chức tham gia đánh giá làm việc với thái độ trung thực, chỉ căn cứ vào thực tế và hoạt động vì lợi ích chung cho tổ chức. Trong đánh giá không mang tư tưởng cá nhân vào, không vì thân thiết, cả nể mà bao che, dung túng; cũng không vì xa cách, hiềm khích cá nhân mà trù dập, cố tình đánh giá sai.

Đồng thời, khi nhìn nhận đối tượng được đánh giá cần có cái nhìn toàn diện, đặt chủ thể vào những hoàn cảnh phù hợp. Vì đối tượng là con người nên càng khó khăn hơn, không chỉ căn cứ vào trình độ, năng lực mà đạo đức nghề nghiệp, tinh thần học hỏi, mối quan hệ với các đồng nghiệp, lối sống cá nhân cũng cần được quan tâm.

Dân chủ, công khai được biểu hiện ở chỗ, đánh giá công chức là trách nhiệm của cả tập thể chứ không của riêng ai, do vậy mọi kết luận đều phải thông qua tập thể, tôn trọng ý kiến tập thể. Đối với đối tượng được đánh giá cũng vậy, quá trình đánh giá cần tạo điều kiện cho họ được tham gia vào, tự nhận xét đánh giá bản thân và thể hiện quan điểm trước tập thể. Nếu đảm bảo được các nội dung ấy, sẽ tạo ra sự công bằng cho mọi người và sự tin tưởng ở nơi họ dành cho tổ chức.

Thứ ba, đảm bảo đánh giá thường xuyên, định kỳ. Đánh giá phải thường xuyên, định kỳ và liên tục. Thời điểm đánh giá được quy định rõ ở các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Ở nước ta, việc đánh giá công chức hàng năm được thực hiện vào thời điểm cuối năm. Do vậy, quá trình đánh giá phải tuyệt đối tuân thủ, đảm bảo sự liên tục, không ngắt quãng, tạo điều kiện cho việc theo dõi những biến đổi của công chức qua các giai đoạn cụ thể, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp để quản lý công chức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện vĩnh linh, tỉnh quảng trị (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)