8. Cấu trúc của luận văn
1.3.5. Về phẩm chất và năng lực của cán bộ quản lý trường Trung học
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “có cán bộ tốt việc gì cũng xong, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” [62], Người đã nêu
quan điểm rất cụ thể nói về nhân cách của người cán bộ, bao gồm: “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” mà cốt lõi của nhân cách là “Tài” và “Đức”. Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Sự hài hòa giữa đức và tài đó là đặc điểm có ý nghĩa xã hội, là gốc giá trị xã hội của con người. Bác đã nêu ra 4 phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo, đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính”. Trong 4 phẩm chất đó “Cần” có nghĩa là siêng năng trong lao động, trong công việc được phân công, biết khuyến khích người khác làm tốt công việc. “Kiệm” là không lãng phí thời gian của cải của mình và của nhân dân. “Liêm” là không tham ô, luôn luôn giữ gìn của cải của công và của nhân dân. “Chính” là việc đúng dù nhỏ cũng phải làm, việc sai dù nhỏ cũng phải tránh [27, tr.28].
Phẩm chất nhân cách là những cấu trúc tâm lý tiềm ẩn, mang chức năng định hướng, chỉ đạo hoạt động của con người trong các mối quan hệ nhất định. Phẩm chất nhân cách được hình thành, phát triển và hoàn thiện, bộc lộ đầy đủ nhất, thông qua hoạt động của con người. Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng, nhân cách của người cán bộ quản lý giáo dục bao gồm 2 mặt: “phẩm chất và năng lực”, hai mặt này được thể hiện ở năng lực quản lý trường học, thông qua các chuẩn mực như: Sự thông hiểu quá trình đào tạo và việc điều khiển nó trong phạm vi trường học, năng lực tổ chức tập thể, điều hành công việc, hoạt động của nhà trường, năng lực ứng xử các tình huống sư phạm, trong đó năng lực tổ chức thực hiện là một tính cách điển hình của nhà quản lý giáo dục.
Yêu cầu về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở theo Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT:
+ Về phẩm chất: Có đạo đức nghề nghiệp; có tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường; có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.
+ Về năng lực: Có năng lực tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; quản trị nhân sự nhà trường; quản trị hành chính, tổ chức nhà trường; quản trị tài chính nhà trường; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường; quản trị chất lượng trong nhà trường; năng lực xây dựng văn hóa nhà trường; thực hiện dân chủ cơ sở trong nhà trường; năng lực phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; có năng lực sử dụng ngoại ngữ; có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh năng lực, người cán bộ quản lý còn phải có phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức và các phẩm chất khác, như: thái độ đối với tập thể sư phạm, đối với học sinh, phụ huynh, các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Phẩm chất và năng lực là hai mặt chủ yếu tạo nên chất lượng của một cán bộ nói chung và CBQL trường THCS nói riêng. Phát triển đội ngũ CBQL trường THCS thể hiện trên hai phương diện “đức” và “tài”, là sự kết hợp giữa những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam và những yêu cầu của CBQL trường THCS trong giai đoạn hiện nay. Chính vì thế, việc xác định phẩm chất và năng lực của người cán bộ quản lý trường học là tập hợp những phẩm chất, nhân cách của người đứng đầu nhà trường, đơn vị cơ sở trực tiếp làm nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, với tư cách là một nhà giáo dục, đồng thời là một nhà quản lý.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển giáo dục là phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, vai trò của người hiệu trưởng có ảnh hưởng to lớn, mang tính chất quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Do đó, để có những chủ trương, chính sách, biện pháp tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở nói riêng, cần phải nghiên cứu, xem xét những vấn đề cơ bản nhất về nhân cách con người.