Khái niệm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học cơ sở huyện phù mỹ, tỉnh bình định (Trang 30 - 35)

8. Cấu trúc của luận văn

1.2.5. Khái niệm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường học

1.2.5.1. Phát triển

Có nhiều cách định nghĩa về phát triển, xuất phát từ những cấp độ xem xét khác nhau. Phát triển theo nghĩa triết học là sự biến đổi từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Xu hướng và con đường phát triển theo hình xoáy trôn ốc, tạo thành xu thế phát triển từ thấp lên cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Phát triển là quá trình nội tại tạo ra sự hoàn thiện của tự nhiên và xã hội. Từ đó, cho ta thấy: Phát triển là một trường hợp đặc biệt của sự vận động biểu hiện chiều hướng đi lên của các đối tượng trong hiện thực khách quan, là quá trình chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác ngày càng hoàn thiện hơn. Nguyên nhân của sự phát triển là kết quả của quá trình tích lũy đủ về lượng tạo ra sự thay đổi về chất, là biểu hiện của quy luật phủ định của phủ định trong hiện thực khách quan.

Hiểu một cách đơn giản phát triển là “mở rộng ra, làm cho mạnh lên, tốt hơn lên”. Ở cấp độ “chung nhất”, “phát triển được hiểu là sự thay đổi hay biến đổi tiến bộ, là một phương thức vận động hay là quá trình diễn ra có nguyên nhân, dưới những hình thức khác nhau như tăng trưởng, tiến hóa, chuyển đổi, mở rộng, cuối cùng tạo ra sự biến đổi về chất”.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: Phát triển là sự biến đổi hợp quy luật theo phương hướng không thể đảo ngược, được đặc trưng bởi sự chuyển biến chất lượng, bởi sự chuyển biến sang một trình độ mới. Phát triển là một đặc điểm cơ bản của vật chất, là nguyên tắc giải thích về sự tồn tại và hoạt động của các hệ thống bất cân bằng, lưu động, biến đổi [75].

Khái niệm đề cập ở đây là phát triển con người: phát triển thể chất (sinh thể, thể lực, thể hình, gọi chung là thể năng); phát triển lý trí và trí tuệ (nhận thức và logic hay còn gọi là trí năng); phát triển tâm lý, tình cảm và xúc cảm, với những chức năng đánh giá và biểu thị thái độ ứng dụng (tâm năng) chịu sự chi phối có tính định hướng giá trị, động cơ, thế giới quan. Đáng chú ý hơn cả là phát triển năng lực “lực lượng tinh thần và vật chất” (C.Mác).

Theo tác giả Phạm Minh Hạc, những đặc điểm cơ bản của sự phát triển toàn diện ở con người là: hài hòa, cân đối và cân bằng; tích hợp; toàn vẹn và chỉnh thể; liên tục không gián đoạn; ổn định; bền vững; đầy đủ và hoàn toàn. Sự phát triển toàn diện con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là phát triển khả năng con người.

Năng lực trí tuệ và khả năng hành dụng; Trình độ nghiệp vụ chuyên môn hóa; Khả năng hợp tác và cạnh tranh; Khả năng di chuyển nghề nghiệp; Khả năng hoạch định và đánh giá; Sức chịu đựng strees do nhịp độ sống và môi trường công nghiệp gây ra; Học vấn chung về công nghệ; Hiểu biết xã hội; Hiểu biết về quản lý hành chính; Nhu cầu, sở thích tinh thần tương đối rõ; Tính kỷ luật; Tính độc lập của lý trí và tình cảm; Năng động và hiệu quả

trong công việc. Như vậy, sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ đòi hỏi sự phát triển con người toàn diện, cân đối ở mức độ rất cao về trí tuệ, thể chất, tâm năng.

1.5.2.2. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở

Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam định nghĩa: “Phát triển là vận động tiến triển theo chiều hướng tăng lên” [35, tr.658].

Như vậy có thể hiểu, phát triển là quá trình biến đổi hoặc làm cho biến đổi từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Đó là quá trình làm biến đổi làm cho số lượng, chất lượng ngày càng tăng lên, cơ cấu luôn vận động, tiến triển theo chiều hướng đi lên trong mối hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau ngày càng phát triển, bền vững.

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý thực chất là xây dựng và phát triển cả ba yếu tố: Quy mô, chất lượng, cơ cấu. Trong đó, quy mô được thể hiện bằng số lượng; cơ cấu thể hiện sự hợp lý trong bố trí về nhiệm vụ, độ tuổi, giới tính, chuyên môn, nghiệp vụ… hay nói cách khác là tạo ra một ê kíp đồng bộ, đồng tâm, có khả năng hỗ trợ bù đắp cho nhau về mọi mặt. Chất lượng là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý.

Xét về quy mô, chất lượng, cơ cấu dưới góc nhìn về việc phát triển nguồn nhân lực của kinh tế tri thức thì nội dung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý bao gồm:

- Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý chính là thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bổ nhiệm, sắp xếp bố trí cán bộ (thể hiện bằng số lượng, cơ cấu).

- Sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý là triển khai việc thực hiện các chức năng quản lý của đội ngũ, thực hiện bồi dưỡng, phát triển năng lực quản lý, phẩm chất chính trị; đánh giá, sàng lọc.

- Tạo động cơ và môi trường cho sự phát triển là tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý phát huy vai trò của họ như thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ, chế độ khen thưởng, kỷ luật, xây dựng điển hình tiên tiến nhân ra diện rộng. Tạo cơ hội cho cá nhân có sự thăng tiến, tạo ra những ước mơ, hoài bão kích thích cho sự phát triển. Tạo cơ hội cho cán bộ quản lý có điều kiện học tập, bồi dưỡng, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ của nền kinh tế tri thức, nền kinh tế tri thức đã làm thay đổi hẳn cơ cấu kinh tế lao động, nền kinh tế chủ yếu dựa vào trí tuệ của con người. Tri thức ngày càng trở thành nhân tố then chốt cho sự tăng trưởng kinh tế vững chắc. Như vậy, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải có trình độ cao hơn, có khả năng lãnh đạo, quản lý giỏi hơn, có tầm nhìn chiến lược xa hơn. Vì vậy, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý là điều tất yếu không thể thiếu được, đây cũng là phần việc quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực.

Từ những lý luận về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nêu trên ta thấy: Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường thực chất là làm tăng thêm giá trị về năng lực, phẩm chất và đạo đức cho đội ngũ CBQL, là quá trình xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, sắp xếp bổ nhiệm, tuyển dụng cũng như tạo môi trường và động cơ cho đội ngũ này phát triển. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng ta cần nghiên cứu đặc điểm của từng địa phương, vùng miền, số lượng và đặc trưng của các trường, bối cảnh về chính trị, kinh tế - xã hội hiện tại và đặc biệt là yêu cầu chuẩn đối với cán bộ quản lý để đề ra nội dung, giải pháp cho phù hợp.

Từ các khái niệm và định nghĩa nêu trên, có thể hiểu: Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở là quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và mục tiêu quản lý trường học.

Để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở cần tiến hành đồng bộ các giải pháp quản lý nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuyên môn giỏi, kiến thức - kỹ năng quản lý vững vàng và thái độ nghề nghiệp tốt. Quá trình phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở cũng là quá trình làm cho đội ngũ này thích ứng được với sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội, có khả năng sáng tạo để thực hiện tốt mục tiêu của nhà trường, tìm thấy sự gắn bó với nhà trường (thấy mục tiêu cá nhân trong mục tiêu của nhà trường, thấy sự phát triển của cá nhân gắn liền với sự phát triển của nhà trường).

Thực chất của phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở là tạo ra sự gắn bó giữa chuẩn nghề nghiệp, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng với việc sử dụng hợp lý; đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở phát triển và đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở một cách khoa học, chính xác, khách quan.

Quá trình phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở thực chất là một quá trình liên tục nhằm thay đổi thực trạng hiện tại của đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở cho hoàn thiện hơn, làm cho đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở ngày càng hoàn thiện về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý trường Trung học cơ sở trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từng bước tiếp cận với trình độ quản lý trường trung học phổ thông của các nước trên thế giới. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở là một quá trình kép, bao gồm sự tích cực tự vận động phát triển của người cán bộ quản lý và sự thúc đẩy của môi trường (sự vận động phát triển của nhà trường, xã hội, đồng nghiệp) đối với cán bộ quản lý, trong đó sự tích cực tự vận động phát triển của người cán bộ quản lý giữ vai trò quan trọng, đảm bảo cho sự trưởng thành về nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, nhân cách của người cán bộ quản lý trong mối

liên hệ biện chứng với sự phát triển của nhà trường Trung học cơ sở nói riêng, với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục – đào tạo nói chung.

Như vậy, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chính là tìm cách để đạt được hiệu suất cao nhất của 6 yếu tố: Thực hiện đào tạo để nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; thực hiện các chính sách, chế độ để đảm bảo sức khỏe (thể lực, trí lực, tâm lực) cho đội ngũ cán bộ quản lý; tạo ra môi trường làm việc tốt nhất để đội ngũ cán bộ quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc; bố trí công tác một cách hợp lý, đồng bộ với các yếu tố số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý; thực hiện dân chủ hóa nhà trường, giúp cán bộ quản lý phát huy mọi tiềm năng cá nhân và tự phát triển bản thân; thực hiện phân cấp hợp lý cho đội ngũ cán bộ quản lý nhằm phát huy tính tự chủ, sáng tạo của họ trong quản lý, lãnh đạo nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học cơ sở huyện phù mỹ, tỉnh bình định (Trang 30 - 35)