Khái niệm quản lý giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học cơ sở huyện phù mỹ, tỉnh bình định (Trang 27 - 30)

8. Cấu trúc của luận văn

1.2.4. Khái niệm quản lý giáo dục

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc đưa ra khái niệm quản lý giáo dục, bởi vì sự ra đời và phát triển của khoa học về quản lý giáo dục dựa trên một số bộ môn khoa học như: kinh tế học, xã hội học, chính trị học, quản lý đại cương…Mỗi môn học có cách tiếp cận riêng và nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau trong quản lý giáo dục.

Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt, nó được sinh ra, tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người. Giáo dục là một bộ phận trong hệ thống xã hội, có chức năng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của xã hội trong tương lai.

Quản lý giáo dục là một bộ phận quan trọng của quản lý xã hội. Quản lý giáo dục được hiểu là sự vận động của khoa học quản lý vào các lĩnh vực hoạt động giáo dục để thực hiện mục tiêu mong muốn của giáo dục. Khái niệm quản lý giáo dục được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, nên có thể hiểu nhiều cách khác nhau:

Theo nghĩa hẹp: Giáo dục là các hoạt động diễn ra trong ngành Giáo dục - Đào tạo, hay diễn ra trong một đơn vị trường học, quản lý giáo dục được hiểu là quản lý một đơn vị cơ sở giáo dục - đào tạo, quản lý nhà trường hay quản lý trường học.

Theo nghĩa rộng: Nếu giáo dục là hoạt động diễn ra trong xã hội thì quản lý giáo dục là quản lý mọi hoạt động về giáo dục trong xã hội. Quản lý giáo dục có hệ thống và được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở giáo dục trong phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về quản lý giáo dục:

Theo M.Mechitizade: “Quản lý giáo dục là tập hợp những biện pháp nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các cơ quan trong hệ thống giáo dục, đảm bảo sự tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống cả về mặt số lượng cũng như về mặt chất lượng” [25, tr.17].

Theo M.I.Kônđakôp: “Quản lý giáo dục là tập hợp những biện pháp tổ chức, cán bộ, kế hoạch hóa, tài chính, cung tiêu,… nhằm đảm bảo vận hành bình thường của các cơ quan trong hệ thống giáo dục, để tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống cả về số lượng lẫn chất lượng” [26, tr.10].

Theo tác giả Đặng Quốc Bảo: “Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quan là điều hành, phối hợp các lực lượng nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngày nay, với sứ mệnh phát triển giáo dục, công tác giáo dục không chỉ giới hạn ở thế hệ trẻ mà cho mọi người. Cho nên quản lý giáo dục được hiểu là sự điều hành hệ thống giáo dục quốc dân” [15].

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: “Quản lý giáo dục là hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật với chủ thể quản lý (hệ giáo dục) nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà tiêu điểm tụ hội là quá trình dạy học, giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ thống giáo dục tới mục tiêu dự kiến tiến lên trạng thái mới về chất”.

Theo tác giả Trần Kiểm cho rằng:

Ở cấp độ vĩ mô: “Quản lý giáo dục được hiểu là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lý đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ cao đến cơ sở quản lý giáo dục nhà trường) nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ mà xã hội đặt ra cho ngành giáo dục” [22, tr.36-37].

Ở cấp độ vi mô: “Quản lý giáo dục thực chất là những tác động của chủ thể quản lý vào quá trình giáo dục nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh theo mục tiêu đào tạo của nhà trường” [22, tr.38-39].

Theo tác giả Đặng Quốc Bảo: “Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quát là hoạt động, điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển xã hội” [22, tr.17].

Thực chất, Quản lý giáo dục là quản lý nhà nước về giáo dục. Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là việc nhà nước thực hiện quyền lực công để điều hành, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động giáo dục và đào tạo trong phạm vi toàn xã hội. Đó là việc sử dụng hệ thống pháp luật trong các hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục. Điều 14, Luật Giáo dục (2005) nêu rõ: “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ, tập trung quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục” [31, tr.11].

Quản lý giáo dục cũng chịu sự chi phối của các quy luật xã hội và tác động của quản lý xã hội. Quản lý giáo dục có các đặc trưng chủ yếu như sau:

Sản phẩm giáo dục là nhân cách nên quản lý giáo dục phải ngăn ngừa sự rập khuôn, máy móc trong việc tạo ra sản phẩm và không được phép tạo ra phế phẩm.

Quản lý giáo dục nói chung và quản lý nhà trường nói riêng phải chú ý đến sự khác biệt giữa đặc điểm lao động sư phạm so với lao động xã hội.

Quản lý giáo dục đòi hỏi những yêu cầu cao về tính toàn diện, tính thống nhất, tính liên tục, tính kế thừa và tính phát triển.

Trong quản lý giáo dục, các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và quản lý sự nghiệp chuyên môn đan xen vào nhau, thâm nhập lẫn nhau, không

thể tách rời nhau tạo thành hoạt động quản lý giáo dục thống nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng,… giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta” [28, tr.161], cho nên quản lý giáo dục phải quán triệt quan điểm của quần chúng.

Tóm lại, dù hiểu quản lý giáo dục ở cấp độ nào thì quản lý giáo dục vẫn thể hiện 4 yếu tố cơ bản sau: chủ thể quản lý, khách thể quản lý, đối tượng quản lý và mục tiêu quản lý. Từ những khái niệm trên, có thể hiểu: Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm tổ chức, điều khiển hoạt động của đối tượng và khách thể quản lý, thực hiện mục tiêu giáo dục đề ra. Quản lý giáo dục có thể hiểu là sự quản lý hệ thống giáo dục và đào tạo, bao gồm một hay nhiều cơ sở giáo dục, trong đó, nhà trường là đơn vị cơ sở, ở đó, diễn ra các hoạt động

quản lý giáo dục cơ bản nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học cơ sở huyện phù mỹ, tỉnh bình định (Trang 27 - 30)