6. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
1.6.1 Các nhân tố khách quan
Giá các dịch vụ y tế
KCB cũng là một loại hình dịch vụ. Vì vậy, việc KCB có chất lượng tốt, giá cả phù hợp chính là điều mà người dân luôn mong muốn. Hiện nay, dịch vụ KCB không chỉ có ở các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hay tuyến trung ương của các cơ sở y tế công lập mà còn rất phát triển ở những bệnh viện ngoài công lập. Chính vì vậy, những người dân có nguồn lực tài chính dồi dào sẽ có xu hướng tìm đến các cơ sở y tế có khả năng cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của họ.
Trước ngày 01 tháng 10 năm 2012, giá của các dịch vụ y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/TTLB ngày 30/9/1995 của liên Bộ Y tế, Tài chính, Lao đông- Thương binh và xã hội, Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc thu một phần viện phí.
Từ ngày 01 tháng 10 năm 2012, áp dụng giá thanh toán theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước giá viện phí, giá các dịch vụ y tế tăng cao ảnh hưởng lớn đến quỹ KCB BHYT.
Từ ngày 01 tháng 03 năm 2016 áp dụng thanh toán theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.Đồng loạt các dịch vụ y tế được thực hiện điều chỉnh giá trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành thì giá dịch vụ này lại tiếp tục tăng cao (tăng trên 30% so với giá đang áp dụng thanh
toán năm 2015).
Từ ngày 15 tháng 07 năm 2018 áp dụng thanh toán theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Từ ngày 15 tháng 01 năm 2019 áp dụng thanh toán giá dịch vụ theo Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Điều này cũng tác động lớn đến ý thức người dân tham gia BHYT để giảm gánh nặng khi đi KCB, đồng nghĩa số thu cho quỹ KCB BHYT tăng cao và cũng là thách thức không nhỏ trong việc cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Mức sống tối thiểu
Cùng với thu nhập bình quân đầu người tăng thì mức sống tối thiểu của người dân trong xã hội Việt Nam cũng đang tăng lên đáng kể. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống của người dân cũng được nâng lên. Mức sống tối thiểu tăng là do thu nhập của từng cá nhân tăng lên, do nền kinh tế khá lên… đã khiến cho người dân ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đồng thời nhu cầu KCB, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cũng tăng cao, nhu cầu tham gia BHYT tăng góp phần làm gia tăng quỹ BHYT.
Các dịch vụ công cộng
Ở những nước phát triển như Anh, Đức, Mỹ… thì các loại hình dịch vụ công rất phát triển. Họ rất chú trọng phát triển hệ thống các công trình phúc
lợi như: điện, trường học, y tế,… đảm bảo chất lượng cao, đặc biệt là các dịch vụ y tế. Do đó, đời sống sức khỏe người dân luôn được quan tâm và nâng cao đáng kể.
Hiện nay ở Việt Nam, hệ thống các dịch vụ công cộng không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp, đặc biệt là hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương. Với mạng lưới dày đặc, các cở y tế công - tư được trang bị nhiều máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ bác sĩ có trình độ tay nghề ngày càng cao đã giúp cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn. Từ đó, làm cho người dân yên tâm vào hệ thống y tế nói chung, BHYT nói riêng. Điều này góp phần phát triển đối tượng tham gia BHYT.
Chính sách, pháp luật về BHYT
Đây là một trong những nhân tố rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu Quỹ BHYT. Bởi lẽ, BHYT là một chính sách xã hội do Nhà nước thống nhất ban hành. Chính sách này lại luôn được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu trong chính sách, pháp luật BHYT quy định toàn dân tham gia BHYT thì đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ sẽ rất lớn. Hoặc đối tượng nào phải tham gia bắt buộc, đối tượng nào phải tham gia tự nguyện, cơ cấu của những đối tượng này khi tham gia cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nguồn thu. Tương tự, nếu trong chính sách, pháp luật quy định mức đóng góp của từng loại đối tượng như thế nào, sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến nguồn thu, sự phát triển của nguồn thu. Chẳng hạn, nếu quy định người lao động phải đóng góp vào Quỹ BHYT bắt buộc hàng tháng là 1% tiền lương, tiền công khác với mức đóng góp 1,5% hay 2% cho Quỹ BHYT...
Điều kiện kinh tế - xã hội
Môi trường kinh tế - xã hội là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến nguồn thu của Quỹ BHYT. Nếu nền kinh tế phát triển thì sự đóng
góp của doanh nghiệp, người lao động, doanh nghiệp không quá khó khăn. Ngược lại, gặp suy thoái kinh tế, doanh nghiệp phá sản, người lao động không có việc làm, sẽ gây tác động tiêu cực đến nguồn thu Quỹ BHYT. Mặt khác, còn làm mất ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, tác động của môi trường kinh tế - xã hội là rất lớn và có tính khách quan đến nguồn thu Quỹ BHYT. Ở Việt Nam và thế giới, tác động của suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh tế - xã hội; tuy nhiên, Nhà nước sẽ tác động trực tiếp, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công cụ kinh tế vĩ mô, nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện các nghĩa vụ với người lao động, trong đó có đóng BHYT.
Đối tượng tham gia, cơ cấu đối tượng tham gia BHYT
Có thể nói, đây là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến nguồn thu và sự phát triển nguồn thu Quỹ BHYT. Số lượng người tham gia đông không chỉ làm tăng nguồn thu mà còn bảo đảm được nguyên tắc “số đông bù số ít”. Ngoài ra, cơ cấu đối tượng tham gia cũng có tác động rất lớn, bởi nếu những nhóm đối tượng có mức phí cao tham gia ngày càng đông thì chắc chắn nguồn thu sẽ tăng nhanh và ngược lại. Từ thực tiễn hoạt động, hiện nay pháp luật BHXH ở nước ta đã ngày càng hoàn thiện, quy định BHYT bắt buộc toàn dân là một chủ trương rất đúng đắn, huy động sức mạnh của cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức với Nhà nước, xây dựng Quỹ BHYT đủ mạnh, bền vững đủ sức chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong bối cảnh chi phí y tế gia tăng và xóa bỏ hoàn toàn bao cấp trong thời gian tới.
Mức đóng góp và phương thức đóng góp BHYT
Mức đóng góp BHYT thường được quy định tại các văn bản pháp quy. Mức đóng góp cao hay thấp còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Có nghĩa là, nếu điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, mức sống và thu nhập của người dân ngày càng tăng thì mức đóng góp
BHYT cũng sẽ được quy định tăng lên ngay trong các văn bản pháp luật. Ngoài ra, giá cả các loại dịch vụ y tế tăng, Nhà nước có thể phải quy định mức đóng góp tăng để bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Phương thức đóng góp cũng có tác động đáng kể đến nguồn thu Quỹ BHYT, đóng 01 năm/lần sẽ khác với đóng 03 tháng/lần hay 06 tháng/lần. Đóng 01/lần sẽ giúp Quỹ BHYT tăng lớn hơn do lãi đầu tư quỹ nhàn rỗi đem lại. Thời gian đóng BHYT được xác định theo năm tài chính. Thẻ BHYT khi phát hành có giá trị sử dụng một năm (đủ 12 tháng); nửa năm (đủ 06 tháng); một quý (đủ 03 tháng).và giúp cho quỹ BHYT tăng lên.
Nhận thức
Ngoài các yếu tố văn hóa, lối sống, truyền thống của người dân Việt Nam được giữ vững thì trình độ nhận thức của người Việt Nam cũng được tăng cường. Với việc phát triển và nâng cao giáo dục các cấp phổ thông và trường chuyên nghiệp đã dẫn đến trình độ nhận thức của người dân được nâng cao. Điều này giúp cho hiểu biết của người dân về các vấn đề chuyên ngành, xã hội, xu hướng quan tâm đến sức khỏe… cũng được gia tăng, giúp mọi người tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tác động tích cực đến việc tham gia BHYT của người dân, điều này giúp cho quỹ BHYT ngày càng gia tăng.