b. Vụ mía xuân
3.8. Thu hoạch mía
Ở nước ta, trong điều kiện phổ biến, khi cây mía đạt 12 tháng tuổi và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như khô rét thì hàm lượng đường trong thân mía sẽ đạt mức tối đa và chủ yếu là đường kết tinh (Saccaroza), đường khử (Glucoza) trong thân giảm đến mức tối thiểu (từ 0,3 - 0,9%). Lúc này gọi là mía chín công nghiệp, hàm lượng đường giữa gốc và ngọn gần bằng nhau.
Muốn đạt hiệu quả kinh tế cao cho người trồng mía và nhà máy, yêu cầu phải tiến hành thu hoạch đúng vào thời kỳ mía chín công nghiệp. Phải kiểm tra độ chín và có kế hoạch thu mía cây ăn khớp với kế hoạch ép của nhà máy. Thu hoạch đúng thời điểm vừa dễ chế biến vừa nâng cao tỷ lệ đường thu hồi. Do đó cần:
- Phải kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch thu hoạch và kế hoạch trồng trọt:
+ Cùng một giống mía, thời vụ trồng càng sớm, thời gian sinh trưởng càng dài và ngược lại.
+ Cùng một thời vụ trồng giống nhau, giống chín sớm có thể chín trước giống chín muộn từ 20-50 ngày.
+ Mía tơ, mía gốc, mía tốt, mía xấu, mía ruộng, mía đồi, mía bón nhiều phân hay ít phân... đều dẫn tới sự sai khác đáng kể về thời gian chín.
Trong điều kiện nước ta mía thường chín tập trung vào tháng 1, 2 nên gây khó khăn cho thu hoạch. Thường mía chín tập trung trong vòng 60-90 ngày nhưng thời gian chế biến của nhà máy 150-180 ngày. Để khắc phục tình trạng này cần phải vận dụng các kiến thức về đặc điểm sinh lý của cây mía, các yếu tố ảnh hưởng đến sự tích lũy đường theo kế hoạch chế biến và kế hoạch thu hoạch.
+ Bố trí cơ cấu giống mía chín sớm, chín trung bình và chín muộn một cách hợp lý, xác định tỷ lệ mía tơ, mía gốc phù hợp.
+ Mía phải thu hoạch và cung cấp cho nhà máy theo khả năng chế biến, công suất của máy ép.
+ Phải có kế hoạch đốn chặt, giao nhận vận chuyển trước khi thu hoạch. + Nguyên liệu mía phải đảm bảo không dập nát, sạch không có rác bẩn.