Những nguyên tắc cơ bản của công tác xã hội hoá giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường tiểu học thuộc huyện tam bình, tỉnh vĩnh long (Trang 36 - 41)

1.3. Công tác xã hội hóa giáo dục trong trường Tiểu học

1.3.4. Những nguyên tắc cơ bản của công tác xã hội hoá giáo dục

1.3.4.1. Huy động xã hội tham gia xây dựng môi trường thuận lợi cho giáo dục

Con người sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Ở mỗi môi trường đều là nơi diễn ra quá trình giáo dục, giáo dưỡng con người. Vì thế cần đảm bảo cho các môi trường trên được lành mạnh, tích cực và nhất là có tính thống nhất trong tác động đến việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Cụ thể là:

Đối với nhà trường: Huy động các lực lượng xã hội để xây dựng môi trường nhà trường từ cảnh quan, cơ sở hạ tầng của nhà trường, đến nề nếp kỉ cương, quan hệ trong sáng giữa thầy với thầy, thầy với trò, thầy trò với nhân dân địa phương..., nghĩa là tạo ra môi trường thuận lợi để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Tất nhiên nhà trường phải giữ vai trò chủ động trong việc cùng với gia đình và xã hội tạo ra môi trường trên.

Gia đình: là nơi nuôi dưỡng con người, từ sơ sinh đến lúc trưởng thành, là một môi trường chính yếu trong việc hình thành và phát triển nhân cách, là nhân tố quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Do đó, huy động các lực lượng xã hội chăm lo xây dựng môi trường gia đình của học sinh chính là huy động các lực lượng xã hội chăm lo cho giáo dục. Các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội có trách nhiệm giúp đỡ các gia đình có những điều kiện tối thiểu cần thiết cho việc giáo dục con em mình, từ điều kiện kinh tế, đến trình độ học vấn, kiến thức sư phạm, nếp sống văn minh...

Môi trường xã hội: có tác động rất lớn đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Xã hội luôn có nhiều biến động, cần phải biết khai thác mặt tốt của môi trường xã hội. Ở nước ta hiện nay, các mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, các tệ nạn tham nhũng, văn hóa bạo lực và đồi trị, tội phạm ma túy, mại dâm... đang tạo nên những mặt không thuận lợi cho việc giáo dục thế hệ trẻ. Cần phải huy

động lực lượng của toàn xã hội, từ tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể đến cá nhân tham gia vào việc xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh: phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, đề cao các giá trị xã hội chân chính, xây dựng nếp sống văn minh, tạo ra dư luận đúng đắn về giá trị của học vấn, về động cơ, thái độ học tập.

Các môi trường trên đồng thời tác động vào thế hệ trẻ lúc nào cũng được giáo dục, ở đâu cũng được giáo dục. Ngược lại, chính lớp trẻ được giáo dục chu đáo này sẽ làm trong sạch và lành mạnh hơn các môi trường trên.

1.3.4.2. Huy động xã hội tham gia vào quá trình giáo dục

Các lực lượng xã hội có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình giáo dục. Trước hết họ có thể tham gia vào việc xây dựng kế hoạch giáo dục của cả nước và của từng địa phương; góp ý kiến vào nội dung và phương pháp giáo dục, quản lí, đánh giá kết quả giáo dục; giúp đỡ nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa, sưu tầm tư liệu giảng dạy. Làm đồ dùng dạy học hoặc trực tiếp giảng dạy một số môn học, giờ học, đặc biệt là các môn chuyên biệt để thu hút học sinh. Đây là yêu cầu cao của cuộc vận động xã hội hóa công tác giáo dục và là nội dung khó thực hiện nhất trong cuộc vận động này. Nó đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, các cơ quan quản lí giáo dục và các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.

1.3.4.3. Huy động các lực lượng tham gia vào quá trình đa dạng hoá các hình thức học tập và phát triển quy mô giáo dục

Các lực lượng xã hội và cá nhân có thể tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục bằng cách tổ chức cơ sở giáo dục thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức và cá nhân bên cạnh các cơ sở giáo dục của Nhà nước. Các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục này sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển giáo dục, làm giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện cho giáo dục có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Các lực lượng còn có vai trò quan trọng trong

việc mở các lớp xóa mù chữ; trung tâm giáo dục thường xuyên, lớp học tình thương, lớp học linh hoạt cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ lang thang cơ nhỡ... Đó là các hình thức giáo dục mà Nhà nước trong những điều kiện khó khăn về kinh tế hiện nay chưa có khả năng đảm nhiệm hết.

Việc các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình giáo dục, đa dạng hóa các loại hình trường lớp và các hình thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời là một trong những nội dung quan trọng nhất của XHHGD.

1.3.4.4. Huy động xã hội đầu tư các nguồn lực cho giáo dục

Trong những năm qua mặc dù đầu tư của Nhà nước cho giáo dục không ngừng tăng, nhưng vẫn chưa thể giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển giáo dục cả về số lượng lẫn chất lượng ngày càng tăng.

Các lực lượng xã hội có thể đóng góp nhân lực, vật lực để xây dựng trường, lớp, tăng cường trang thiết bị cho nhà trường, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh con em gia đình thuộc diện chính sách, gia đình gặp khó khăn, khuyến khích khen thưởng học sinh giỏi, phát hiện và bồi dưỡng tài năng, góp phần chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho giáo viên.

Huy động các nguồn lực cho giáo dục không chỉ là huy động tiền của mà còn tính đến một phạm vi rất rộng rãi các loại nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực. Hơn nữa, một khi các nội dung toàn diện của XHH sự nghiệp giáo dục được thực hiện tốt thì chính là điều kiện tiên quyết để dễ dàng tạo động lực cho sự đóng góp của nhân dân, của xã hội về tài lực. Làm ngược lại điều đó thì nhân dân sẽ kêu ca về sự tốn kém mà không thấy lợi ích của sự đóng góp. Hiện nay nhân dân còn nghèo, tiền của không thể khai thác quá đáng, nhưng nhân dân ta lại giàu những tiềm năng rất đa dạng. Mỗi người có thể thực hiện XHH sự nghiệp giáo dục theo khả năng của mình và điều đó rất cần cho giáo dục.

Huy động nguồn nhân lực là việc rất quan trọng bởi nhân lực luôn là tài sản quý giá nhất, đúng như quan điểm của Đảng ta coi con người là động lực, là mục tiêu của sự phát triển.

Huy động nguồn nhân lực cho giáo dục là lôi cuốn các lực lượng xã hội và cá nhân trong cộng đồng mang hết tâm huyết và khả năng của mình tham gia vào hoạt động giáo dục. Họ có thể tham gia vào việc khuyến khích mọi người trước hết là trẻ em để thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, tham gia chống bỏ học, duy trì sĩ số cho đến việc khó hơn như tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục, tham gia xây dựng môi trường giáo dục tạo ảnh hưởng tích cực và thống nhất cho việc giáo dục.

Huy động vật lực không kém phần quan trọng, không thể có hoạt động giáo dục nếu không có các phương tiện, không có những điều kiện vật chất nhất định. Mặt khác nguồn vật lực này nằm trong tiềm lực đáng kể của nhân dân, của xã hội có thể tham gia XHH sự nghiệp giáo dục như: đất dành cho việc xây dựng các trường, lớp, cả trường công lập, ngoài công lập, các trung tâm giáo dục, nhà tình thương, sân chơi, bãi tập, bể bơi. Những hỗ trợ về thiết bị dạy và học: máy tính, phương tiện nghe nhìn, nhạc cụ, phòng học ngoại ngữ, thư viện. Nói chung là những phương tiện ngoại khóa và giáo dục ngoài nhà trường.

Nguồn tài chính huy động được qua cuộc vận động XHH sự nghiệp giáo dục là nguồn tài chính do cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình và cá nhân tự nguyện đóng góp để phát triển giáo dục. Việc huy động nguồn tài chính này phải đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ, tự nguyện và theo đúng pháp luật.

1.3.4.5. Thể chế hoá sự quản lí của Nhà nước đối với xã hội hoá giáo dục

Để huy động và phối hợp được các lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, cần có cơ chế và hình thức phù hợp với chức năng, tính chất của từng lực lượng xã hội.

Cơ chế là sự vận hành của các mối quan hệ giữa các thành tố (bộ phận) trong một cấu trúc (tổ chức) nhằm đạt hiệu quả của hoạt động. Các bộ phận ở đây bao gồm: gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhà trường (ngành giáo dục): là lực lượng giữ vai trò trung tâm, nòng cốt, chủ động trong công việc huy động cộng đồng làm giáo dục, là trung tâm trong các hình thức cộng tác, phối hợp. Ngoài ngành giáo dục còn có các nhóm đối tượng sau tham gia vào hoạt động xã hội hóa giáo dục: các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương (HĐND và UBND); các cơ quan chuyên môn UBND (ban, ngành chức năng), các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội; các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và các tổ chức cộng đồng ở cơ sở.

Gia đình: là một thiết chế cơ bản của xã hội thực hiện một trong những chức năng của nó là giáo dục, đây là đối tượng không thể thiếu khi tiến hành XHH giáo dục.

Xã hội: Cơ chế XHHGD đương nhiên cũng nằm trong cơ chế phổ biến của xã hội ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các nguyên tắc này cũng đồng thời chỉ ra vai trò quyết định của Đảng bộ và chính quyền địa phương trong công tác XHH.

Để đảm bảo cho cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ” được vận hành thuận lợi trong xã hội hóa giáo dục – hoạt động vừa có tính chất Nhà nước, vừa có tính chất xã hội – cần phải thể chế hóa. Thể chế hóa trong xã hội hóa giáo dục là làm cho sự tham gia vào công tác giáo dục được thực hiện theo những quy định, luật lệ, chế định, phép tắc ổn định mang tính chất pháp lí, có chính sách chế độ rõ ràng, dân chủ và công bằng.

1.3.4.6. Điều kiện của công tác xã hội hóa giáo dục

Xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa nhà trường và các lực lượng xã hội để xây dựng và phát triển giáo dục. Trong đó mối quan hệ nhà trường và gia đình là cơ bản nhất.

Để củng cố và phát huy vai trò của gia đình trong XHHGD, cần chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Xã hội hóa giáo dục chỉ có thể đạt được kết quả khi phát huy được sức mạnh của cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh là tổ chức tự nguyện của cha mẹ học sinh, được thành lập và hoạt động theo điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo sự cộng tác giữa nhà trường và gia đình học sinh được thường xuyên và đạt kết quả.

Ban đại diện cha mẹ học sinh là hình thức tổ chức phối hợp có tầm quan trọng đặc biệt. Ban đại diện cha mẹ học sinh không chỉ là cầu nối giữa nhà trường và gia đình mà trong nhiều trường hợp còn là điểm tựa trong quan hệ giữa nhà trường với các lực lượng xã hội khác ngoài nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh là lực lượng xã hội gần gũi, gắn bó, quan trọng nhất của nhà trường tiểu học.

Ban đại diện giúp đỡ rất đắc lực cho sự phát triển của nhà trường. Sự phối hợp tốt giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ làm tăng tinh thần trách nhiệm các bậc cha mẹ, tăng mối liên kết giữa nhà trường – gia đình trong việc giáo dục, tạo động lực cho lao động sư phạm của giáo viên và tinh thần học tập của học sinh, đạt được sự thống nhất tác động giáo dục của nhà trường và gia đình, huy động các nguồn lực khác nhau từ cha mẹ học sinh để xây dựng và phát triển nhà trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường tiểu học thuộc huyện tam bình, tỉnh vĩnh long (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)