3.2. Các biện pháp quản lí công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường
3.2.2. Nâng cao năng lực quản lí công tác xã hội hóa giáo dục cho
Hiệu trưởng trường tiểu học
3.2.2.1. Mục đích, ý nghĩa
Thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lí công tác XHHGD cho đội ngũ Hiệu trưởng trường TH có ý nghĩa hết sức quan trọng vì họ là lực lượng nòng cốt, là trụ cột của các cơ sở giáo dục, là người chịu trách nhiệm và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà
trường nói chung và hiệu quả của công tác XHHGD nói riêng. Mỗi khi người Hiệu trưởng được bồi dưỡng về đạo đức, phẩm chất chính trị, năng lực quản lí thì mọi nhiệm vụ của nhà trường sẽ được thực hiện tốt.
3.2.2.2. Nội dung và cách thực hiện
Qua khảo sát thực trạng chúng tôi thấy rằng đa số Hiệu trưởng chưa nắm vững quy trình quản lí công tác XHHGD, nên chúng tôi đề xuất nội dung biện pháp này là: Nâng cao năng lực quản lí của Hiệu trưởng về công tác XHHGD theo quy trình quản lí:
Xây dựng kế hoạch XHHGD:
Việc xây dựng kế hoạch XHHGD sẽ giúp Hiệu trưởng xác định chương trình hành động, thứ tự công việc phải làm, thời gian cụ thể, phương tiện cần thiết, con người thực hiện để đạt được mục tiêu XHHGD nhà trường đã đề ra.
Trên cơ sở nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ thị nhiệm vụ của chính quyền các cấp về giáo dục và đào tạo trong từng giai đoạn và các năm học, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hiệu trưởng nhà trường tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, bao hàm cả kế hoạch XHHGD.
Để việc xây dựng kế hoạch công tác XHHGD được tốt, Hiệu trưởng cần thực hiện các bước sau:
Xác định mục tiêu cần giải quyết. Phân tích thực trạng của nhà trường.
Tiến hành xây dựng kế hoạch: Xác định mục tiêu, xây dựng chương trình hành động, các điều kiện cần có, tiến trình thực hiện, phân công tổ chức, công tác phối hợp lực lượng bên ngoài, cá nhân phụ trách.
Kế hoạch giáo dục của nhà trường, sau khi được xây dựng, phải trình lên HĐND, UBND xã phê duyệt, báo cáo lên Phòng GD&ĐT xem xét đồng ý trước khi hoàn thiện và triển khai thực hiện.
Tổ chức thực hiện kế hoạch là một khâu hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của công tác XHHGD trong nhà trường.
Nội dung hoạt động của Hiệu trưởng tiến hành để tổ chức thực hiện kế hoạch XHHGD bao gồm:
Củng cố, kiện toàn các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường đúng quy định, đảm bảo các yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của đơn vị. Tránh vị nể dẫn đến thiếu trách nhiệm và không mang lại hiệu quả.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi tổ chức, cá nhân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực tế để thực hiện các hoạt động XHHGD.
Quy định về sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường trong quá trình thực hiện. Xác định rõ vai trò, chức năng, mục tiêu, nhiệm vụ của mỗi tổ, nhóm được phân công và thời gian hoàn thành.
Khi đã huy động được các nguồn lực thì phải tiến hành sử dụng các nguồn lực một cách hợp lí, đúng mục đích, đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai và hiệu quả.
Tổ chức việc thực hiện phải gắn với ba môi trường giáo dục: Nhà trường – Gia đình – Xã hội, phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh, trong công tác huy động XHHGD.
Làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương để tranh thủ sự đồng thuận, huy động toàn xã hội, phát huy sức mạnh mọi nhân tố, mọi lực lượng tham gia hoạt động XHHGD cùng với nhà trường.
Chỉ đạo, giám sát công tác XHHGD:
Nắm bắt được tiến độ công việc, đồng thời phát hiện những sai lệch trong quá trình thực hiện so với mục tiêu đặt ra để kịp thời điều chỉnh bổ sung nhằm thực hiện tốt kế hoạch XHHGD nhà trường đã đề ra. Công tác chỉ đạo, giám sát là vô cùng quan trọng. Nội dung chỉ đạo, giám sát của Hiệu trưởng bao gồm:
Thực hiện quyền chỉ huy, hướng dẫn để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ bảo đảm tính thiết thực và cụ thể, phù hợp với khả năng và trình độ của từng tổ chức và từng thành viên trong các tổ chức.
Theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện, kịp thời động viên, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hợp lí.
Đôn đốc, động viên kịp thời mọi thành viên trong quá trình tham gia thực hiện hoạt động XHHGD tại đơn vị. Hiệu trưởng cần có những tác động cần thiết đến các đối tượng để biến yêu cầu của XHHGD thành nhu cầu hoạt động của từng người.
Kiểm tra, đánh giá công tác XHHGD:
Qua công tác kiểm tra, đánh giá nhằm đề phòng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những lệch lạc, sai trái, những biểu hiện tiêu cực trong công tác XHHGD ở trường TH, tạo được môi trường dân chủ, bình đẳng, công khai, lành mạnh, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển nhà trường.
Để thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, đánh giá Hiệu trưởng trường TH cần thực hiện các nội dung sau:
Kiểm tra công tác tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, tầm quan trọng, lợi ích, nội dung cơ bản của công tác XHHGD của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Cần chú ý đến các cán bộ giáo viên mới chuyển đến, giáo viên trẻ mới vào nghề kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử chưa được bồi dưỡng qua thực tiễn để tăng thêm khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Kiểm tra việc thực hiện quy trình quản lí công tác XHHGD của các đoàn thể, tổ chức, thành viên trong nhà trường.
Kiểm tra việc huy động và sử dụng các nguồn lực XHHGD của các tổ chức trong nhà trường.
Kiểm tra việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong các hoạt động XHHGD của các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Để thực hiện tốt các nội dung của biện pháp nâng cao năng lực quản lí công tác XHHGD cho Hiệu trưởng trường TH cần có các điều kiện sau:
Người Hiệu trưởng cần nắm vững quy trình xây dựng kế hoạch. Để xây dựng kế hoạch sát với thực tế cần khảo sát thực trạng về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, những tác động của nét văn hóa vùng miền, văn hóa, làng xã. Đánh giá đầy đủ, đúng đắn điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với công tác XHHGD của nhà trường, từ đó xây dựng các biện pháp hợp lí.
Nhà trường cần tuyên truyền thông tin rộng rãi nội dung kế hoạch đến tận các tổ chức, cá nhân trong đơn vị, cũng như các lực lượng xã hội, để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ trong quá trình thực hiện.
Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn làm việc một cách có hiệu quả nhất, khắc phục kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ.