Giải pháp về nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh tây ninh giai đoạn 2006 2016 (Trang 150 - 152)

- Mục tiêu chính của giải pháp: Nâng cao trình độ lao động NN, trang bị cho người lao động những kỹ năng, kiến thức về khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tiếp thu, sử dụng thành thạo và áp dụng những tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nhàn rỗi ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động tỉnh nhà theo hướng CNH -HĐH.

- Nội dung chủ yếu của giải pháp:

Nguồn lao động trong nông nghiệp của thế kỷ XXI cần am hiểu về thị trường cũng như có kiến thức và năng lực để học hỏi, tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật, công

nghệ mới trong sản xuất. Để tạo ra đội ngũ lao động này, tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới cần:

+ Liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề trong và ngoài nước, nhất là với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển để đào tạo lao động trực tiếp sản xuất tại các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp và học sinh trung học cơ sở thành công nhân nông nghiệp. Tiếp tục hợp tác Trường Đại học Cần Thơ, Viện Chăn nuôi, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp.

+ Tổ chức đưa nông dân học tập kinh nghiệm các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả kinh tế cao, các mô hình sản xuất CNC. Trong năm 2016, tỉnh đã đưa nông dân học tập kinh nghiệm tại Hợp tác xã xoài Cát chu tỉnh Đồng Tháp, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền nam, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng (bắp, rau) để tận dụng phụ phẩm làm thức ăn gia súc và mô hình trồng rau CNC tại tỉnh Lâm Đồng; mô hình trồng rau trong nhà màng áp dụng phương pháp tưới của Israel tại tỉnh Đồng Nai,... Ngoài ra, trong thời gian tới, Tây Ninh cần có kế hoạch đưa cán bộ chuyên môn và nông dân đi đào tạo ở nước ngoài (tỉnh đang tiến hành liên kết sản xuất với các tỉnh của Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao) học tập thêm kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sinh thái đô thị, nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao (VietGAP, GlobalGAP, Organic).

+ Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ chuyên môn kỹ thuật thuộc các ngành về công tác tại UBND xã, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện. Đào tạo và bố trí cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau đại học về công tác tại các cơ quan chuyên môn sâu thuộc ngành nông nghiệp.

+ Thực hiện tốt chính sách phát triển thị trường lao động trong tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và tạo việc làm tại địa phương; thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh tây ninh giai đoạn 2006 2016 (Trang 150 - 152)