Nhóm các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh tây ninh giai đoạn 2006 2016 (Trang 31 - 35)

Vị trí địa lí

Vị trí địa lí ảnh hưởng gián tiếp đến sản xuất nông nghiệp thông qua các yếu tố tự nhiên như khí hậu, nguồn nước từ đó tác động đến quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Vị trí địa lí xét về mặt không gian gần hay xa các thành phố, các khu công nghiệp, các đầu mối giao thông vận tải,... có ảnh hưởng đến khả năng phát triển và hướng chuyên môn hóa nông nghiệp.

Vị trí địa lí KT - XH còn tạo thuận lợi hay khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới phương hướng sản xuất, tới việc trao đổi và phân công lao động trong nông nghiệp.

Nhóm nhân tố tự nhiên

Các nhân tố tự nhiên có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để hình thành và phát triển nông nghiệp.

Địa hình ảnh hưởng lớn đến việc canh tác, áp dụng cơ giới hóa, giữ độ ẩm cho đất, quy mô các vùng chuyên canh cũng như việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ví dụ ở đồng bằng thích hợp cho việc phân bố cây lương thực và cây công nghiệp hàng năm (CNHN), ở miền núi lại thích hợp trồng các loại cây công nghiệp lâu năm (CNLN).

Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp, là cơ sở để tiến hành trồng trọt và chăn nuôi. Quỹ đất, cơ cấu sử dụng đất, loại đất, độ phì của đất ảnh hưởng quyết định đến quy mô và phương hướng sản xuất, cơ cấu và sự phân bố cây trồng, vật nuôi, mức độ thâm canh và năng suất cây trồng.

Khí hậu ảnh hưởng đến việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tính mùa của khí hậu còn quy định tính mùa trong sản xuất nông nghiệp và trong tiêu thụ sản phẩm. Mỗi loại cây trồng vật nuôi có một giới hạn sinh thái nhất định nên chỉ thích hợp với những điều kiện khí hậu nhất định, nếu vượt quá giới hạn cho phép, chúng sẽ chậm phát triển hoặc chết. Những vùng dồi dào về nhiệt, ẩm, lượng mưa, thời gian và cường độ chiếu sáng cho phép trồng nhiều vụ trong năm với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng. Sự ổn định hay bất thường của khí hậu và thời tiết ảnh hưởng đến tính ổn định hay bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan hiện nay đã gây áp lực rất lớn đến sản xuất, phát triển nông nghiệp.

Từ kinh nghiệm của người xưa “ nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, ta thấy được nguồn nước là nhân tố rất cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước ngọt cung cấp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, nước uống, nước tắm rửa cho gia súc. Nó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Những nơi có nguồn cung cấp nước dồi dào là những vùng nông nghiệp trù phú và ngược lại những nơi khô cằn, nguồn nước khan hiếm thì nông nghiệp thường không phát triển. Do đó, trong sản xuất nông nghiệp cần đảm bảo có nguồn cung cấp nước đầy đủ cả về số lượng lẫn chất lượng.

Sinh vật với sự đa dạng về giống, loài là cơ sở để hình thành và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, tạo khả năng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích hợp với những điều kiện tự nhiên và sinh thái khác nhau. Các diện tích đồng cỏ, bãi chăn thả

và diện tích mặt nước tự nhiên là cơ sở thức ăn tự nhiên ảnh hưởng đến cơ cấu vật nuôi và phát triển ngành chăn nuôi. Hiện nay, việc ứng dụng phương pháp nuôi công nghiệp dựa trên nguồn thức ăn được chế biến theo phương pháp công nghiệp ngày càng phổ biến nhưng nguồn thức ăn tự nhiên vẫn có vai trò quan trọng (Nguyễn Minh Tuệ, 2015).

Nhóm nhân tố kinh tế - xã hội

Nhóm nhân tố kinh tế - xã hội có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển nông nghiệp. Cụ thể:

Dân cư và lao động: với tư cách vừa là lực lượng sản xuất trực tiếp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp vừa là nguồn tiêu thụ nông phẩm nên có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Dưới góc độ là lực lượng sản xuất, số lượng và chất lượng của nguồn lao động ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu. Hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung sẽ đạt hiệu quả và năng suất lao động cao khi có nguồn lao động dồi dào và có chất lượng cao đặc biệt trong nền nông nghiệp hiện đại của thế kỷ XXI lại đòi hỏi người lao động không chỉ có kiến thức về kỹ thuật đơn thuần mà cần nhiều hơn nữa những kiến thức về công nghệ mới, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về hợp tác quản lý và về kinh tế thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản cũng như năng lực cạnh tranh của chúng. Ngược lại nếu nguồn lao động đông nhưng trình độ học vấn và tay nghề thấp, thiếu việc là sẽ là gánh nặng cho sản xuất nông nghiệp và cả nền kinh tế. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu dẫn đến thiếu ý tưởng và chưa đủ khả năng thực hiện việc tổ chức xây dựng, quản lý phát triển bền vững.

Dưới góc độ là thị trường tiêu thụ, quy mô dân số ý nghĩa quyết định đến quy mô sản xuất nông nghiệp. Quy mô dân số càng lớn thì nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng càng nhiều và vì vậy, sản xuất nông nghiệp phải phát triển để đáp ứng nhu cầu đó của dân cư. Ngoài ra, truyền thống, thói quen, tập quán ăn uống của dân cư cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng chuyên môn hóa sản xuất trong nông nghiệp.

Khoa học - kỹ thuật thực sự là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp. Việc ứng dụng ngày càng phổ biến các biện pháp kỹ thuật như cơ giới hóa, hóa học hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa và điện khí hóa trong sản xuất nông nghiệp đã làm tăng năng suất, chất lượng và sản lượng nông nghiệp. Ngoài ra, tiến bộ kỹ thuật còn góp phần hạn chế đặc điểm phụ thuộc vào tự nhiên của sản xuất nông nghiệp, con người được chủ động hơn trong hoạt động nông nghiệp.

Kỹ thuật canh tác, giống cây trồng, vật nuôi: Nông nghiệp trong thế kỷ XXI muốn tồn tại và phát triển bền vững phải có giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Mỗi loại cây trồng, vật nuôi đều có giới hạn sinh thái nhất định, nếu vượt qua ngưỡng sinh thái thì chúng sẽ không cho năng suất cao thậm chí là chết. Quá trình sinh học hoá trong nông nghiệp đã góp phần cải tạo và nhân nhanh giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng những kỹ thuật canh tác mới đáp ứng yêu cầu của một nền nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững.

Cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng rõ rệt tới việc hình thành và phát triển nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng tốt và hoàn thiện là tiền đề để hình thành và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Thêm vào đó, việc nắm bắt thông tin thị trường giúp hướng dẫn canh tác, tiếp thị và đầu tư hiệu quả. Cơ sở hạ tầng thấp kém thì hầu như sản xuất mang tính tự cung, tự cấp và đặc biệt là làm tăng chi phí marketing, hạn chế thị trường địa phương và xuất khẩu.

Cơ sở vật chất kỹ thuật là nền tảng cho việc phát triển nông nghiệp. Nơi nào có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt thì ở đó sẽ đạt hiệu quả cao, sản phẩm có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Và ngược lại, hệ thống cơ sở vất chất kỹ thuật yếu kém thì sẽ khó có thể hình thành và phát triển nền sản xuất hàng hóa (Nguyễn Minh Tuệ, 2015).

Quan hệ sử dụng ruộng đất và chính sách nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến các hình thức tổ chức sản xuất và con đường phát triển NN. Phương thức giao quyền sử dụng đất thế nào thì có dạng hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh NN như thế đó. Chính sách đúng đắn sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển, ngược lại chính sách không phù hợp sẽ kìm hãm quá trình phát triển (Đặng Văn Phan, 2008).

Nguồn vốn có vai trò quan trọng trong việc phát triển và phân bố nông nghiệp. Nguồn vốn có quy mô lớn được sử dụng, đầu tư hiệu quả vào sản xuất sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đầu tư vào nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro và lãi suất thấp hơn so với đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ nên nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp thường khó thu hút và ít hơn hẳn so với đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả, một trong những vấn đề hàng đầu là làm sao thu hút vốn đầu tư (Đặng Kim Sơn, 2002).

Thị trường tiêu thụ có đến ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển hoặc ngược lại. Nó là yếu tố cơ bản tác động đến cơ cấu, quy mô và giá trị của sản phẩm qua đó điều tiết sản xuất và hướng dẫn chuyên môn hóa.

Nếu như các yếu tố tự nhiên, lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật được xem là yếu tố đầu vào thì thị trường chính là yếu tố đầu ra, tác động đến sự phát triển nông nghiệp của một lãnh thổ, đặc biệt là trong nền kinh tế hiện nay, thị trường càng có vai trò quyết định đến sự phát triển nền nông nghiệp hàng hóa nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh tây ninh giai đoạn 2006 2016 (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)