Các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp cấp tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh tây ninh giai đoạn 2006 2016 (Trang 35 - 39)

Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp (TCLTNN) là một hình thức của tổ chức lãnh thổ KT - XH, được hiểu là “một hệ thống liên kết không gian của các ngành, các xí nghiệp nông nghiệp và các lãnh thổ dựa trên cơ sở các quy trình kỹ thuật mới nhất, chuyên môn hóa, tập trung hóa, liên hợp hóa và hợp tác hóa sản xuất, cho phép sử dụng có hiệu quả nhất sự khác nhau theo lãnh thổ về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, nguồn lao động và đảm bảo năng suất lao động xã hội cao nhất”. (Đặng Văn Phan, 2008).

Có thể hiểu một cách cụ thể hơn, TCLTNN chính là sự sắp xếp và phối hợp các đối tượng nông nghiệp trong mối liên hệ liên ngành, liên vùng trên một lãnh thổ cụ thể nhằm sử dụng hợp lí và hiệu quả nhất lợi thế về vị trí địa lí, các điều kiện tự

nhiên và kinh tế xã hội của lãnh thổ đó để đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường.

Từ lí luận và thực tiễn trong sản xuất NN trên thế giới và ở Việt Nam, có thể thấy ở cấp tỉnh có một số hình thức TCLTNN là hộ nông dân (nông hộ), trang trại, nông trường quốc doanh, hợp tác xã nông nghiệp, và tiểu vùng nông nghiệp.

Hộ gia đình (nông hộ)

Hộ là tế bào KT - XH, là đơn vị KT - XH tự chủ trong NN có khả năng thực hiện nhiều chức năng cùng một lúc mà các đơn vị kinh tế khác không thể có được, do chủ gia đình lập nên. Kinh tế nông hộ dựa chủ yếu vào lao động gia đình để khai thác đất đai và các yếu tố khác nhằm làm tăng thu nhập, đảm bảo sự tồn tại. Nông hộ là hình thức vốn có của sản xuất nhỏ, có những đặc điểm chủ yếu sau:

+ Về đất đai, quy mô canh tác nhỏ bé, biểu hiện rõ tính chất tiểu nông.

+ Về vốn, đại bộ phận rất ít, quy mô thu nhập nhỏ, khả năng tích luỹ thấp làm hạn chế khả năng đầu tư tái sản xuất.

+ Về lao động, chủ yếu sử dụng lao động gia đình. Sức lao động của nông hộ không phải hàng hoá, mà là tự phục vụ nhằm thoả mãn nhu cầu của gia đình.

+ Kĩ thuật canh tác và công cụ sản xuất ít biến đổi, mang nặng tính truyền thống. + Quy mô sản xuất (đất đai, vốn, lao động) rất nhỏ bé.

Hiện nay, ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) nông hộ đã dần phát triển đến mức độ cao hơn, từ tự cấp tự túc (sản xuất lương thực, thực phẩm và một số loại nông sản cần thiết khác chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho gia đình, ít tiếp xúc với thị trường) sang sản xuất hàng hóa nhỏ (ngoài phần tiêu dùng cho gia đình, còn dư ra một ít sản phẩm để đưa ra thị trường) tiến đến sản xuất hàng hóa lớn (nông phẩm chủ yếu đem ra trao đổi trên thị trường, tối ưu hóa lợi nhuận là động lực phát triển), từ quan hệ chủ yếu với tự nhiên đến có cả quan hệ với xã hội.

Trang trại

Có nhiều khái niệm khác nhau về trang trại:

Theo Đặng Văn Phan “Trang trại là một hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, phổ biến được hình thành và phát triển trên nền tảng kinh tế nông hộ và về cơ bản mang bản chất của kinh tế hộ. Quá trình hình thành và phát triển

kinh tế trang trại có gắn với sự tích tụ tập trung các yếu tố sản xuất kinh doanh (đất đai lao động, tư liệu sản xuất - vốn, khoa học - kỹ thuật và công nghệ) để nâng cao năng lực sản xuất và sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao” (Đặng Văn Phan, 2008).

Theo nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 2/2/2000 về trang trại, chính phủ ta đã thống nhất về trang trại như sau: “Trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản”

Trang trại là kết quả tất yếu của hộ gia đình gắn với sản xuất hàng hoá, là hình thức tiến bộ của sản xuất nông nghiệp. Hoạt động của trang trại chịu sự chi phối của nền kinh tế thị trường và tuân theo quy luật cung cầu với các đặc điểm nổi bật sau (Nguyễn Minh Tuệ, et al., 2014).

+ Mục đích chủ yếu của trang trại là sản xuất nông phẩm hàng hoá theo nhu cầu của thị trường. Vì vậy, quy mô sản xuất hàng hóa của trang trại phải đạt mức độ tương đối lớn.

+ Tư liệu sản xuất (đất) thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng (như ở Việt Nam) của người chủ độc lập.

+ Chủ trang trại hoàn toàn tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Cách thức tổ chức sản xuất và quản lí tiến bộ, đẩy mạnh chuyên môn hoá, hướng vào sản xuất những nông sản có lợi thế so sánh và khả năng sinh lợi cao, vào việc thâm canh (vốn, công nghệ, lao động...) trên một đơn vị diện tích.

+ Các trang trại đều thuê mướn lao động (lao động thường xuyên và lao động thời vụ).

+ Chủ trang trại là người có kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, năng lực trong tổ chức quản lí, đồng thời có hiểu biết nhất định về kinh doanh và thị trường.

Hợp tác xã nông nghiệp

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là một hình thức tổ chức kinh tế do xã viên tự nguyện lập ra và tự giải thể khi thấy không cần thiết, có nguồn vốn hoạt động do các

xã viên góp cổ phần và huy động vốn từ nguồn khác. Các hợp tác xã hoạt động nhằm duy trì, phát triển kinh tế hộ nông dân và thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ trang trại (Nguyễn Minh Tuệ, et al., 2014).

Trong cơ chế nhiều thị trường nhiều thành phần, kinh tế hộ và trang trại càng phát triển thì nhu cầu hợp tác để cùng tồn tại và phát triển hoặc đấu tranh bảo vệ lợi ích của chính mình càng cao, vì vậy, hợp tác xã nông nghiệp là nhu cầu tất yếu của nông dân.

Có hai hình thức hợp tác xã nông nghiệp : Hợp tác xã đơn ngành, phổ biến ở các nước Âu – Mĩ, cung ứng từng loại dịch vụ và hợp tác xã đa ngành (hay tổng hợp), phổ biến ở các nước châu Á với nhiều loại dịch vụ.

Nông trường quốc doanh

Nông trường quốc doanh là cơ sở kinh doanh nông nghiệp, sản xuất trên tập trung quy mô lớn về đất đai nhằm cung cấp nông sản hàng hóa cho thị trường trong nước hoặc xuất khẩu (Nguyễn Minh Tuệ, et al., 2014). Nông trường quốc doanh có những đặc điểm cơ bản sau:

- Là mô hình xí nghiệp nông nghiệp của nhà nước, thuộc thành phần kinh tế quốc doanh. Mỗi nông trường đều tổ chức một bộ máy tổ chức hoàn chỉnh để lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh. Lao động làm việc trong nông trường được gọi là công nhân nông nghiệp, được hưởng lương do nhà nước trả.

- Nông trường thường trồng chuyên hoặc kết hợp một số cây công nghiệp và đặc sản lâu năm và hàng năm: Cao su, cà phê, chè, cam dứa… hoặc chuyên về chăn nuôi bò sữa, gà công nghiệp…

- Nông trường có quy mô đất đai lớn, được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, có hướng chuyên môn hóa rõ và khả năng cơ giới hóa cao.

Tiểu vùng nông nghiệp

Đây là hình thức biểu hiện của vùng nông nghiệp ở phạm vi cấp tỉnh, có diện tích tương đối lớn. Trong mỗi tiểu vùng có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, điều kiện KT - XH và có một vài sản phẩm chuyên môn hóa đặc trưng cho tiểu vùng đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh tây ninh giai đoạn 2006 2016 (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)