Nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu cơ bản của con người
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất xuất hiện sớm nhất của xã hội loài người. Sản phẩm quan trọng hàng đầu mà con người làm ra để nuôi sống mình chính là lương thực. Sự ổn định bước đầu của dân số thế giới là từ khi loài người biết trồng trọt và tạo được cơ sở lương thực, thực phẩm. Các Mác đã khẳng định rằng con người trước hết phải có cái ăn rồi sau đó mới nói đến các hoạt động khác. Ông đã chỉ rõ: nông nghiệp là ngành cung cấp tư liệu sinh hoạt cho con người,....và việc sản xuất ra tư liệu sinh hoạt là điều kiện đầu tiên cho sự sống của họ và của mọi lĩnh vực sản xuất nói chung. Như vậy, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao mức sống dân cư, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Dù xã hội loài người có phát triển đến đâu đi chăng nữa thì không một ngành kinh tế nào có thể thay thế được vai trò của ngành nông nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của con người (Nguyễn Minh Tuệ, et al., 2014).
Lương thực, thực phẩm còn là yếu tố đầu tiên, có tính chất quyết định sự tồn tại, phát triển của con người và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước đặc biệt là ở các nước đang phát triển (Nguyễn Minh Tuệ, 2015).
Nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp và tạo thêm việc làm cho dân cư.
Phần lớn nguyên liệu của các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng được cung cấp từ nông nghiệp. Vì vậy, sự phát triển của các ngành công nghiệp này phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, thông qua công nghiệp chế biến, giá trị nông sản tăng được tăng lên nhiều lần và tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời sản phẩm nông nghiệp cũng đa dạng hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển (Nguyễn Minh Tuệ, 2015).
Nông nghiệp và nông thôn là thị trường rộng lớn tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ
Nông nghiệp và nông thôn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội và cơ cấu ngành nghề của dân cư ở hầu hết các nước đang phát triển. Đời sống dân cư nông thôn càng được nâng cao, kinh tế nông thôn càng đa dạng và có tốc độ tăng trưởng cao thì nông nghiệp và nông thôn sẽ trở thành thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định của nền kinh tế (Nguyễn Minh Tuệ, et al., 2014).
Nông nghiệp là ngành cung cấp khối lượng hàng hóa lớn để xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước
Ở hầu hết các nước đang phát triển, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản dưới dạng thô hoặc qua chế biến mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền, công nghệ,... trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nông nghiệp là khu vực cung cấp lao động phục vụ công nghiệp và các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội.
Đây là xu hướng có tính quy luật trong phân công lại lao động xã hội. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, một mặt tạo ra nhu cầu rất lớn về lao động và mặt khác,
việc áp dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất NN góp phần tăng nhanh năng suất lao động, giải phóng lao động để bổ sung cho công nghiệp và dịch vụ.
Nông nghiệp trực tiếp tham gia vào việc giữ gìn cân bằng sinh thái, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường
Quá trình phát triển nông nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường vì sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc sử dụng thường xuyên đất đai, nguồn nước,...., với việc trồng và bảo vệ rừng, luân canh cây trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc, hạn chế xói mòn tài nguyên đất....Ở các nước đang phát triển, nông nghiệp còn có vai trò quan trọng đối với sự ổn định kinh tế và chính trị -xã hội.