1.3 Nội dung quản lý Nhà nước về việc làm cho lao động nông thôn
1.3.2 Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm cho LĐN
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc làm là những việc đầu tiên mà nhà nước thực hiện chức năng QLNN về việc làm. Ở nước ta việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và đưa quan điểm của Đảng đi vào cuộc sống. Trong hệ thống văn bản pháp luật có rất nhiều loại văn bản được ban hành bao gồm: Luật, Nghị định, Thông tư…
Việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật tạo ra hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, quy định những hành vi được làm, những hành vi bị cấm, những hành vi được khuyến khích trong quá trình các chủ thể thực hiện giải quyết việc làm.
Nội dung này được thực hiện không chỉ ở một cơ quan, một cấp nhất định mà thực hiện khác nhau từ Trung ương tới địa phương: Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định; Bộ, Ngành ở Trung ương: ban hành các Thông tư, Thông tư liên tịch; UBND tỉnh ban hành các Quyết định…
Kế tiếp sau việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật, Nhà nước tổ chức, tạo điều kiện cho các chủ thể chịu sự tác động của các văn bản pháp luật đó được biết, thực hiện các quy định đúng theo tinh thần mà nhà nước định ra. Khi thực hiện đúng những quy định đã định ra và thực hiện tốt có thể được khen thưởng, nếu vi phạm có thể phải chịu các chế tài do nhà nước đặt ra.
Nhằm nâng cao chất lượng LĐNT đáp ứng cho công cuộc CNH, HĐH và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Đảng ta đã đề ra hàng loạt chủ trương lớn, được thể chế hoá thành các chính sách cụ thể của Nhà nước liên quan đến công tác dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực nông thôn. Gần đây nhất, Nghị quyết số: 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Hội nghị lần thứ bảy khóa X về “Nông nghiệp,
nông dân, nông thôn”[1], trong đó nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực nông thôn được
đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng chủ trương tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức khoa học kĩ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân, đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lí, cán bộ cơ sở. Nghị quyết Trung ương cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo hàng năm đào tạo 01 triệu LĐNT, thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề.
Các quy định pháp luật cũng như các chính sách này có tác dụng bước đầu tạo môi trường, hành lang pháp lý và chính sách thuận lợi để phát triển mạnh công cuộc dạy nghề cho NLĐ, nâng cao khả năng tạo việc làm, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống chính sách về đào tạo nghề đặc biệt là đào tạo nghề cho LĐNT trong những năm gần đây đã từng bước được hoàn thiện, hỗ trợ khá đắc lực cho việc hình thành và phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nghề rộng khắp trên cả nước, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ngoài ra, đối với riêng lĩnh vực nông nghiệp mỗi năm cũng đã có hàng trăm ngàn LĐNT được đào tạo nghề với hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, trong đó chủ yếu là thanh niên, đối tượng chính sách, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp do chuyển đổi mục đích sử dụng.
1.3.3 Tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực quản lý việc làm cho lao động nông thôn
Để có nguồn nhân lực và thực hiện GQVL tốt trước hết phải có chiến lược phát triển con người trên cơ sở một hệ thống chính sách đồng bộ hướng tới con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong các lĩnh vực công việc liên quan đến công tác giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành; giữa các tổ chức chính trị- xã hội với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Trong đó, cơ quan thực hiện công tác QLNN về việc làm cho lao động nông thôn có các nhiệm vụ sau:
- Dự báo nhu cầu đào tạo nghề, định hướng nghề là cơ sở đầu tiên để các cơ sở đào tạo, các trung tâm dạy nghề, trường dạy nghề hoặc trường công nhân kỹ thuật có thể xây dựng được mục tiêu và chương trình đào tạo.
- Chuẩn hóa việc xây dựng chương trình đào tạo là một trong những nội dung quan trọng nhất trong công tác quản lý quá trình đào tạo. Trên cơ sở đó, xác định rõ đặc trưng từng nghề, chức năng nhiệm vụ của từng loại lao động để làm căn cứ xây dựng chương trình đào tạo.
- Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo nghề và xác định các hình thức đào tạo nghề. Xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo nghề có thể phụ thuộc vào tiềm năng từng vùng. Nhà nước cần có những chính sách đối với hệ thống cơ sở đào tạo của địa phương phối hợp hệ thống các trung tâm dạy nghề, các tổ chức hội, đoàn thể để đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Theo tinh thần xã hội hóa giáo dục và đào tạo, có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng các trường, trung tâm đào tạo nghề trên cả nước. Những ưu đãi khuyến khích về thủ tục, mặt bằng xây dựng, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhằm tạo thêm nhiều cơ hội học nghề cho lao động nông thôn. Có biện pháp hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp đầu tư mở trường, lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Trong công tác QLNN về việc làm cho lao động nông thôn phải đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác QLNN về giải quyết việc làm. Đây là nhân tố quan trọng thực hiện việc cụ thể hóa chính sách của Nhà nước, hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách giải quyết việc làm. Đội ngũ này bao gồm:
- Đội ngũ làm công tác giải quyết lao động việc làm và liên quan của cơ quan QLNN về lao động, việc làm (cấp Trung ương; cán bộ làm công tác quản lý lao động, việc làm thuộc Bộ Lao động - TB&XH; ở địa phương: Sở Lao động - TB&XH cấp tỉnh; phòng Lao động - TB&XH cấp huyện).
- Đội ngũ làm việc trong bộ máy quản lý của các cơ sở đào tạo nghề.
- Đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo viên, huấn luyện viên trong các cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức, hội, đoàn thanh niên và đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Tăng cường phối hợp công tác giữa chính quyền, cơ quan QLNN với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Thực tế trong công tác giải quyết việc làm cần có sự tham gia, hỗ trợ từ nhiều phía. Đó là các cơ quan QLNN, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
QLNN về phát triển nguồn nhân lực: QLNN đối với nguồn nhân lực bao hàm nhiều nội dung, quan trọng nhất là bằng các cơ chế, chính sách nhà nước tác động đến sự phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chính sách phát triển nguồn nhân lực là một bộ phận trong hệ thống các chính sách của nhà nước; trong đó, xác định các phương hướng, quan điểm cũng như các giải pháp lớn tác động đến quá trình tăng cường năng lực của từng con người và tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn năng lực đó cho phát triển. Đó là những chính sách về điều tiết dân số, sức khỏe và dinh dưỡng, giáo dục và đào tạo, việc làm và thu nhập... Nói cách khác, nội dung chính sách phát triển nguồn nhân lực phải bao gồm đồng bộ các mặt chủ
yếu tăng cường về thể lực; phát triển trí lực và kỹ năng; tạo môi trường việc làm và đãi ngộ thỏa đáng cho con người.