1.6.1 Kinh nghiệm quản lý nhà nước cho lao động nông thôn của một số nước
- Kinh nghiệm của Đài Loan
Đài Loan không chỉ tập trung phát triển công nghiệp ở đô thị mà còn đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn nông thôn, có sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp, phát triển công nghiệp đô thị gắn với phát triển công nghiệp nông thôn theo những nội dung, hình thức thích hợp, đan xen nhau để tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp cả ở đô thị và nông thôn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, kinh tế trang trại được hình thành. Nhà nước chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện cho mô hình kinh tế trang trại ở nông thôn phát triển, thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học lai tạo ra nhiều tập đoàn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Sản xuất nông nghiệp ở Đài Loan được hiện đại hóa cao cả về điện khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa và cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nặng nhọc, làm cho năng xuất lao động trong nông nghiệp tăng cao, LĐNT dôi dư có nhu cầu làm việc phi nông nghiệp tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho LĐNT, Đài Loan đẩy mạnh xây dựng các xí nghiệp nhỏ và vừa ở các vùng nông thôn để thu hút lao động. Năm 1993, có trên 700.000 xí nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số xí nghiệp và 60% tổng số lao động của ngành công nghiệp. Phần lớn số xí nghiệp này nằm trên địa bàn nông thôn. Ở các làng, xã ở Đài Loan, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các xí nghiệp gia đình phát triển. Kinh tế dịch vụ hàng tiêu dùng, vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp cũng phát triển rộng khắp các vùng nông thôn.
Do đó LĐNT được chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực phi nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng.
Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm được phát triển mạnh, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ nông nghiệp tại chỗ, vừa thu hút lao động địa phương chuyển sang làm việc ở những lĩnh vực mới. Do đó, trong gần bốn thập kỷ, từ 1951 đến 1990 cơ cấu ngành của Đài Loan có sự cải biến sâu sắc. Ngành nông nghiệp từ chiếm 35,5% trong GDP giảm xuống còn 4,2%. Điều đó chứng tỏ lao động nông nghiệp, nông thôn Đài Loan được cải biến một cách mạnh mẽ về cơ cấu.
Đài Loan tạo ra nhiều việc làm mới phi nông nghiệp cho LĐNT và tăng cao thu nhập cho các hộ nông dân. Năm 1952, bình quân thu nhập đầu người ở nông nghiệp, nông thôn chỉ đạt 122 USD thì đến năm 1990 là 5.648 USD, tức là trong vòng gần bốn thập kỷ, Đài Loan nâng thu nhập bình quân đầu người trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lên 42,29 lần. Sự tăng nhanh thu nhập của cư dân nông nghiệp, nông thôn chủ yếu do tăng nhanh thu nhập ngoài nông nghiệp: năm 1952 chiếm 13%, năm 1966 chiếm 34%, năm 1979 chiếm 69%. Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội. Cụ thể là: Năm 1952, ở Đài Loan lao động nông nghiệp chiếm 56%, lao động công nghiệp chiếm 16,9%, lao động dịch vụ chiếm 27%. Đến năm 1992, lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm 12,8%, lao động công nghiệp tăng lên 40,2%, lao động dịch vụ tăng lên 46,9%.
- Kinh nghiệm của Nhật Bản
Sau năm 1945, nền kinh tế Nhật Bản bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Dòng người thất nghiệp từ thành thị đổ về nông thôn làm cho số hộ ở nông thôn tăng lên nhanh chóng. Trước năm 1945, số hộ ở nông thôn chiếm khoảng 5,5 triệu, năm 1960 là 6,18 triệu hộ. Nhật Bản có chính sách và biện pháp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn vừa biến nền nông nghiệp cổ truyền kiểu Châu Á thành nền nông nghiệp tiên tiến, vừa phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng đa dạng nhằm GQVL cho LĐNT.
Đến những năm 1990, nông dân Nhật Bản đã có đủ máy móc thiết bị để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, chi phí sản xuất ra một tạ thóc giảm từ
60 giờ công xuống còn 8 giờ công. Giá trị sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản năm 1990 tăng 30 lần so với năm 1960. Do năng suất lao động tăng cao, chi phí lao động giảm, hàng chục triệu lao động được giải phóng khỏi sản xuất nông nghiệp cần được GQVL. Nhật Bản đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, tương ứng với quá trình giải phóng lao động từ nông nghiệp, để chuyển số lao động đó sau khi được đào tạo nghề sang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Nhờ đó, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm nhanh, nhưng tỷ lệ LĐNT bị thất nghiệp rất thấp. Năm 1950 tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm 45%, năm 1990 chỉ còn 6,3% trong tổng số lao động toàn xã hội.
Cơ cấu kinh tế của các trang trại gia đình ở Nhật Bản chuyển dịch mạnh từ thuần nông sang sản xuất kinh doanh tổng hợp nông - công nghiệp - dịch vụ, cũng tạo thêm nhiều việc làm cho LĐNT, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Nhật Bản chú trọng phát triển các xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ được khuyến khích phát triển mạnh vào địa bàn nông thôn. Sự phát triển nhanh, mạnh của những xí nghiệp này có vai trò rất quan trọng trong GQVL cho LĐNT; xí nghiệp gia đình thường làm nhiệm vụ gia công chi tiết máy đơn giản, lao động làm gia công không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, chỉ cần đào tạo bồi dưỡng trong thời gian ngắn là có đủ kiến thức đảm nhận các công việc chế tạo đơn giản. Do đó, một bộ phận lớn LĐNT đã được GQVL và những lao động trẻ, khỏe được đào tạo, được di chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp. Vào những năm 1970, tỉnh OITA (Tây Nam Nhật Bản) đã có phong trào “mỗi thôn, làng một sản phẩm” nhằm khai thác các ngành nghề cổ truyền ở nông thôn mà thị trường đang có nhu cầu. Ngay năm đầu tiên, Nhật bản đã tạo ra 143 loại sản phẩm thu được 250 triệu USD. Đến năm 1992 tăng lên 1,2 tỷ USD. Phong trào phục hồi ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp truyền thống lan rộng ra cả nước, Nhật Bản đã GQVL và tăng mức sống cho hàng triệu LĐNT Nhật Bản.
Do nhu cầu sản xuất và đời sống ở nông thôn, các ngành dịch vụ thương mại, tín dụng, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và những ngành chế biến nông - lâm - thủy sản cũng phát triển, làm biến đổi nhanh chóng cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động ở nông thôn [ 2].
1.6.2 Kinh nghiệm quản lý nhà nước cho lao động nông thôn ở địa phương
- Kinh nghiệm của tỉnh Nam Định
Nam Định dân số 1.934 triệu người, diện tích tự nhiên 163,7ha, mật độ dân số bình quân 1.184 người/km2.
Thời kỳ bao cấp, ngành công nghiệp nhẹ của Nam Định khá phát triển, đặc biệt là công nghiệp dệt may và gia dày đã tạo việc làm, đảm bảo đời sống cho trên 2 vạn lao động. Bước vào thời kỳ đổi mới, trong giai đoạn đầu nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp công nghiệp bị phá sản, nghành công nghiệp của Nam Định bước vào thời kì suy thoái nghiêm trọng, nhiều công nhân mất việc làm ở nông thôn.
Sản xuất nông nghiệp của Nam Định cũng gặp không ít khó khăn, kinh tế nông nghiệp chậm phát triển so với các tỉnh lân cận, đời sống của NLĐ gặp rất nhiều khó khăn, sức ép về lao động, việc làm ngày càng trở lên gay gắt, bức xúc.
30 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, Nam Định có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn trong phát triển KT - XH để tạo thêm nhiều việc làm cho LĐNT và đã thu được những kết quả quan trọng. Kinh nghiệm của Nam Định trong GQVL cho LĐNT có thể khái quát như sau:
Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế. UBND tỉnh Nam Định xây dựng chương trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 với những mục tiêu, giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với tình hình thực tế địa phương như:
Khôi phục và phát triển làng nghề, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ rộng khắp trên các địa bàn nông thôn của tỉnh.
Tập trung xây dựng cụm công nghiệp, điểm công nghiệp nông thôn góp phần đẩy nhanh quá trình phân công lại lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa toàn diện, bền vững theo hướng CNH, HĐH và phát triển nền nông nghiệp sinh thái.
Để đẩy nhanh phát triển nông nghiệp theo hướng đó, Nam Định tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động vào khu vực công nghiệp và dịch vụ. Thực hiện áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy, hải sản với nhiều loại hình tổ chức sản xuất với quy mô phù hợp, tạo ra nhiều việc làm cho NLĐ ở nông thôn, tăng thu nhập cho NLĐ, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh [20].
- Kinh nghiệm của tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu, với dân số hơn 3,6 triệu người, 80% dân số ở nông thôn, có nguồn lao động dồi dào, hơn 2 triệu người, chiếm trên 50% dân số của tỉnh. Tuy có số NLĐ đông, nhưng chất lượng nguồn lực lao động còn thấp. Do vậy Thanh Hóa vẫn còn là tỉnh nghèo, chậm phát triển, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhưng không nhiều và khó khai thác, thiếu vốn, kỹ thuật, công nghệ còn lạc hậu. Hàng năm, toàn tỉnh có trên 3 vạn người đến tuổi lao động chưa có việc làm, chưa kể số lao động của các năm trước chuyển sang, tỉ lệ thiếu việc làm của nông thôn Thanh Hóa rất lớn, mới sử dụng trên 70% quỹ thời gian làm việc trong năm.
Để giảm sức ép lao động, việc làm và thất nghiệp, trong những năm qua, Thanh Hóa đã tập trung cao cho việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến như: mía đường, vùng cây nguyên liệu sản xuất giấy; đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; khôi phục làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới, phát triển thương mại dịch vụ… Hàng năm tạo ra nhiều việc làm mới cho trên 10 vạn lao động. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều kinh nghiệm về GQVL cho LĐNT. Cụ thể như sau:
Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng các cấp, các nghành trong hệ thống chính trị của tỉnh luôn xác định GQVL cho LĐNT là một chương trình kinh tế - xã hội cấp bách, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, có tác dụng góp phần quyết định vào sự thành công của quá trình CNH, HĐH của tỉnh.
Cùng với Nhà nước Trung ương, Thanh Hóa đã xây dựng được các văn bản pháp quy tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quan hệ lao động trong cơ chế thị trường về thuê mướn lao động và sử dụng lao động.
Các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ… đã tích cực tham gia GQVL, xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn lao động nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm.
Thông qua giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã được thực hiện có hiệu quả thiết thực. Huy động được các nguồn lực đa dạng, đầu tư cho phát triển kinh tế, mở việc làm cho lao động nông thôn.
Phát triển nhiều hình thức, mô hình GQVL phong phú, đa dạng ở các cấp, các nghành, các địa phương. Từ đó xuất hiện nhiều điển hình và nhân tố mới, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng CNH, HĐH.
Tập trung đào tạo nghề cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đối với những lao động trẻ, khỏe, bị thu hồi đất để chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ hay đi lao động nước ngoài và đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động làm nông nghiệp trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ khôi phục các ngành nghề truyền thồng và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia mở cơ sở dạy nghề.
- Kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, với diện tích tự nhiên 1546,01 km2, dân số 1.786 nghìn người, mật độ dân số 1.196,7 người/km2, có 1.092 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số của tỉnh, số dân ở nông thôn chiếm 92,8%, thu nhập bình quân đầu người thấp mới đạt 30,5 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn cũng chỉ đạt 79,19%. Vì vậy, tình trạng không có việc làm và thiếu việc làm ở nông thôn còn lớn. Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã tập trung thực hiện các chương trình GQVL cho LĐNT đạt nhiều kết quả và đúc rút được những kinh nghiệm như:
Đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo mở việc làm, khôi phục phát triển làng nghề truyền thống, du nhập ngành nghề mới, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Chú trọng công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lực lượng lao động trẻ, khuyến khích tư nhân và các tổ chức xã hội mở cơ sở đào tạo nghề cho nông dân.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, trọng tâm hàng đầu là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi và tăng sức hút các nhà đầu tư, lựa chọn các phương án đầu tư phát triển những ngành nghề sử dụng nhiều lao động và có công nghệ phù hợp với khả năng, trình độ lao động nông thôn.
Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội phát động các phong trào lập nghiệp và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế như: cho vay vốn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn để tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh [6].
1.6.3 Những bài học kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước về việc làm cho lao động nông thôn đối với huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên động nông thôn đối với huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
Từ khảo sát, phân tích kinh nghiệm thực tiễn công tác QLNN về việc làm cho lao động nông thôn của một số nước và một số địa phương trong những năm qua, có thể rút ra những bài học có ý nghĩa tham khảo đối với huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên như sau:
Nhà nước cần có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách ở tầm vĩ mô để thực thi có hiệu lực, hiệu quả vai trò QLNN về phát triển kinh tế, góp phần tích cực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, đề ra những chính sách và giải pháp đúng đắn, đồng bộ, phân bố lại sản xuất công nghiệp, đưa công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các hoạt động phi nông nghiệp về nông thôn, đảm bảo những điều kiện để thực thi có hiệu quả.
Phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn một cách an toàn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi,