Thứ nhất, sự chỉ đạo thống nhất của các Bộ, ngành trong công tác quản lý chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo.
Công tác quản lý chi NSNN cho giáo dục đào tạo cần tính đến những thay đổi trước bối cảnh của khu vực và quốc tế. Những điều chỉnh của Chính phủ và các Bộ, ngành về cơ chế quản lý chi NSNN cho giáo dục đào tạo cần tăng cường phân cấp, tăng cường sự tham gia và việc áp dụng Luật Ngân sách nhà nước.
Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Trên cơ sở các quy định của Trung ương, cần phải cụ thể hoá các quy định, đảm bảo phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo của địa phương trong quản lý tài chính, ngân sách. Cụ thể phải quy định rõ và đơn giản hơn quy trình lập dự toán ngân sách, cải tiến quy trình chi ngân sách; quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan kho bạc trong lĩnh vực NSNN, bổ sung các quy định trách nhiệm của cơ quan phê chuẩn, cơ quan thẩm định quyết toán...
Thứ ba, cải tiến phân bổ ngân sách cho giáo dục phải đảm bảo công bằng xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng.
Sự nghiệp giáo dục trên thực tế phát triển không đồng đều, giáo dục ở thị xã, các huyện cũng còn những mặt khác biệt cả về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, cũng như các điều kiện hạ tầng khác. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các vùng, các khu vực đều có cơ hội phát triển giáo dục, giáo dục với đặc điểm riêng của mình thì tỉnh phải có cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý, công bằng, đồng thời phương pháp phân bổ phải đơn giản, dễ hiểu và dễ kiểm tra. Việc phân bổ ngân sách phải đảm bảo được tính đồng bộ giữa phân bổ với sử dụng, điều hành và thanh quyết toán ngân sách hàng năm. Cơ chế phân bổ ngân sách cho giáo dục trong những năm qua thực hiện theo phương pháp phân bổ truyền thống, tức là phân chia ngân sách theo nguyên tắc kiểm soát, tính toán chi phí dựa vào các yếu tố “đầu vào” ( như: Số trường, số lớp, số giáo viên, số học sinh có mặt, dân số, độ tuổi đến trường bình quân để tính toán và ấn định số kinh phí cần thiết). Hoặc phân bổ ngân sách theo khả năng tăng thu và cân đối ngân sách hàng năm; Hoặc cũng có thể là kết hợp theo cả hai tiêu thức trên. Các phương pháp phân bổ này tuy có một số ưu điểm và đã được điều chỉnh, sửa đổi hoàn thiện nhưng trên thực tế vần không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập. Việc phân bổ ngân sách cũng chưa được công khai đến các các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục, các cơ sở giáo dục hoàn toàn thụ động không được biết kế hoạch phân bổ hàng năm để chủ động điều hành. Trong tiêu chí phân bổ ngân sách cũng chưa tính tới nơi có nguồn thu và khả năng thu cao hơn do mặt bằng thu nhập dân cư cao có thể đóng góp cho giáo dục nhiều hơn. Do vậy, Nhà nước khó có thể dành ngân sách nhiều hơn cho các vùng khó khăn.
Kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tế cũng cho thấy, một trong những xu hướng, biện pháp quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả đầu tư NSNN là Nhà nước phải đưa ra giới hạn ngân sách hàng năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách tương ứng với nhiệm vụ được giao. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải tự xem xét nhu cầu chi tiêu của đơn vị mình. Các đơn vị phải tự tổ chức, phân công lại các vị trí công tác đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả kinh phí, kể cả việc sử dụng cán bộ, giáo viên một cách hợp lý nhất. Nếu đơn vị phấn đấu đạt hiệu quả cao trong sử dụng nguồn NSNN, cũng
như nguồn thu theo quy định thì đơn vị cũng được hưởng các thành quả tương xứng với kết quả đó.
Thứ tư, đề xuất phân bổ NSNN chi cho giáo dục, trong đó việc giao chỉ tiêu biên chế phải phù hợp với thời gian lập dự toán; lựa chọn ưu tiên hợp lý trong phân bổ NSNN chi cho giáo dục giữa các bậc học, cấp học. Cụ thể:
Việc giao biên chế hàng năm phải kịp thời
Quá trình chấp hành dự toán chi thường xuyên NSNN cho giáo dục trong thực tế không bao giờ đảm bảo cơ cấu 84% chi lương và 16% chi chuyên môn, nghiệp vụ. Do số lượng giáo viên hợp đồng rất nhiều, các đơn vị phải sử dụng chi khác được phân bổ để trả lương cho đối tượng lao động này. Thực tế, chi lương cho sự nghiệp giáo dục hàng năm lên tới 90%. Để giải quyết vấn đề này, Sở Nội vụ phải phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành giao chỉ tiêu biên chế kịp thời, trước khi lập dự toán để đảm bảo việc lập dự toán được sát với thực tế. Có như vậy mới đảm bảo cho các khoản chi ngoài lương không bị cắt xén, cải thiện chất lượng hoạt động của nhà trường.
Với các cấp học phổ cập, tiếp tục thực hiện ưu tiên phân bổ
Thực tế cho thấy khả năng huy động nguồn tài chính ngoài NSNN vào đầu tư phát triển các cấp học phổ cập gặp nhiều khó khăn hơn so với các cấp học sau giáo dục phổ cập. Ưu tiên NSNN cho các cấp học phổ cập nhằm để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ học tập cho mọi người dân trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, tổng chi NSNN cho cấp học tiểu học và THCS của thành phố chiếm khoảng 75% tổng chi cho giáo dục đào tạo. Đây là một tỷ lệ tương đối cao so với cả nước là khoảng 65%. Cần duy trì tỷ lệ này, trong đó cấp tiểu học khoảng 35%, cấp THCS khoảng 40%. Sở dĩ cấp học THCS cần phân bổ cao hơn là do đang trong quá trình thực hiện phổ cập, kết quả phổ cập kém bền vững hơn so với cấp tiểu học. Bên cạnh đó, trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, đồ dùng giảng dạy cũng tốn kém hơn.