Công ty trách nhiệm hữu hạn T&T được thành lập vào 11/1993 với ngành nghề chính là kinh doanh và sản xuất các sản phẩm điện tử, điện máy. Năm 1999, công ty đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp xe máy với tổng số vốn đầu tư hơn 21.5 triệu USD tại tỉnh Hưng Yên. T&T đã không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng sản xuất động cơ nguyên chiếc và xe máy các loại; và được đánh giá là một trong 10 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam vào năm 2001. Các sản phẩm xe máy của T&T đã chiếm lĩnh thị truờng nội địa như thương hiệu Majesty, Waythai, Nakasei… Không chỉ vậy, năm 2002, công ty xuất khẩu xe máy sang Cộng hòa Domonica và mở rộng sang Cộng hòa Angola vào năm 2004, trở thành công ty thứ hai sau Honda Việt Nam xuất khẩu xe máy ra nước ngoài. Đến năm 2005, sản lượng xe máy xuất khẩu đạt 22,000 chiếc và thị trường được mở rộng sang nhiều nước Châu Phi và khu vực Trung Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 triệu USD.
Tuy nhiên, từ năm 2006 trở đi, hoạt động xuất khẩu của công ty dần thu hẹp; không những vậy, công ty còn mất thị phần tại thị trường nội địa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Honda, Yamaha, SYM, Suzuki và Piaggio. Đến thời điểm hiện tại, T&T chỉ còn gần 1% thị phần tại Việt Nam và duy nhất một dòng xe xuất khẩu là Mikado với giá trị xuất khẩu không đáng kể. Nguyên nhân cho sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của công ty T&T là:
- Vấn đề sở hữu công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp vẫn luôn là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp xe máy 100% vốn nội địa như T&T trong điều kiện hội nhập. Hầu hết các sáng chế, giải pháp kỹ thuật của công ty đều phụ thuộc vào nước ngoài hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI). Việc thiết kế kiểu dáng riêng cho một sản phẩm xe máy
đòi hỏi vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp qua nhiều bước: nghiên cứu công dụng, tính năng, thiết kế phác thảo, lựa chọn công nghệ sản xuất, sản xuất thử, thử nghiệm, thiết kế định hình, sản xuất…; do đó T&T đã sao chép một số tính năng và thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp FDI. Việc này là vi phạm kiểu dáng công nghiệp; từ đó hạn chế hoạt động xuất khẩu của công ty sang thị trường nước ngoài.
- Hạn chế về tài chính: Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, người dân các nước đều ở tình trạng khó khăn, lạm phát tăng cao nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Đối với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và T&T nói riêng, cuộc biến động này làm cho giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí tiêu thụ tăng lên đáng kể; trong khi đó T&T không có đủ nguồn lực về tài chính như các doanh nghiệp FDI nên phải tăng giá sản phẩm trên thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của công ty. Bên cạnh đó, hạn chế về tài chính khiến công ty không thể đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu sản phẩm và thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
- Công tác nghiên cứu thị trường chưa được chú trọng: Hoạt động nghiên cứu thị trường và tiếp cận thông tin của công ty chỉ được tiến hành khi cần xác định một thị trường hay khách hàng đã có quan hệ từ trước. Hơn nữa, khoảng cách địa lý xa và thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin nên các hoạt động tiếp cận thị trường của công ty không được đầy đủ, bài bản. Vì vậy, công ty thường để mất cơ hội mở rộng thị trường do không nắm bắt được nhu cầu thực tế của thị trường.