Đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào đang hoạt động trên thương trường thì việc duy trì và mở rộng thị trường đều có ý nghĩa sống còn, bởi nó sẽ cho doanh nghiệp thấy sản phẩm của họ có chỗ đứng như thế nào trên thị trường. Trong thời gian qua mặc dù Honda Việt Nam đã cố gắng tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường nhưng sản lượng xuất khẩu hiện nay vẫn thấp hơn so với năng lực sản xuất của công ty, làm hạn chế doanh thu và lợi nhuận công ty đạt được từ hoạt động xuất khẩu. Trong thời gian tới công ty Honda Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc duy trì và mở rộng các thị trường hiện tại; đồng thời nghiên cứu và tìm kiến khách hàng mới ở khu vực ASEAN bằng một số giải pháp sau:
● Về duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu hiện tại:
Thị trường xuất khẩu ở các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN như Lào, Campuchia và Myanmar là những thị trường chủ yếu và tương đối ổn định. Nhưng đây cũng là thị trường mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xe máy khác ở Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực ASEAN. Do vậy, để giữ khách hàng truyền thống, duy trì và tiếp tục mở rộng thị phần hiện có của sản phẩm xe máy Honda, công ty cần tăng cường khả năng cạnh tranh dựa trên đổi mới cơ sở vật chất và công nghệ cao, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất ra, đồng thời tạo dựng uy tín với nhà nhập khẩu là yêu cầu quan
trọng số một cần đảm bảo. Bên cạnh đó, công ty cũng cần tìm hiểu hệ thống pháp luật nước ngoài, yêu cầu đặc biệt của từng thị trường để tránh được những rủi ro không đáng có.
Để có thể nắm bắt tốt nhất cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu của công ty sang khu vực ASEAN nói riêng và thị trường nước ngoài nói chung, Honda Việt Nam cần xây dựng các chiến lược về quảng cáo giới thiệu sản phẩm thông qua việc thiết kế trang website của công ty theo hướng thân thiện với người dùng, từ đó tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu tìm hiểu về thông tin chi tiết về thiết kế, động cơ và công nghê, các tiện ích khác, giá bán… của các dòng xe công ty đang sản xuất. Từ đó nhà nhập khẩu có thể dễ dàng nghiên cứu đánh giá và ra quyết định mua hàng.
Bên cạnh đó, công ty cần tích cực tham gia triển lãm, hội chợ giúp các khách hàng tiềm năng nước ngoài biết đến sản phẩm của Honda Việt Nam nhiều hơn nữa. Mặc dù công ty đã thực hiện hoạt động này nhưng chưa được thường xuyên hay có kế hoạch bài bản. Công ty cần cân nhắc kĩ lưỡng các dòng xe trưng bày triển lãm, đó phải là các dòng xe hiện đại, có công nghệ cao để thu hút sự chú ý của các cá nhân và doanh nghiệp tham gia triển lãm. Bên cạnh đó, các cuốn ấn phẩm giới thiệu cụ thể về công ty và các dòng xe đang sản xuất cũng cần được chuẩn bị để người tham dự có thể tham khảo bất cứ lúc nào. Ngoài các hội chợ triển lãm quốc tế, công ty nên chú ý quảng cáo sản phẩm ngay ở chính hội chợ trong nước để không bỏ lỡ cơ hội tìm khiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường; vì thực tế có rất nhiều khách hàng quốc tế và môi giới thương mại tới tham quan hàng hoá Việt Nam tại các triển lãm, hội chợ này.
● Về đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tìm kiếm khách hàng mới:
Thứ nhất, ngành công nghiệp xe máy hoạt động và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nơi mà thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước khác nhau đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu thế phát triển của ngành. Đối với Honda Việt Nam, yếu tố này càng quan trọng hơn bởi công ty tham gia xuất khẩu và kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, công ty cần có những hiểu biết kỹ lưỡng về trình độ phát triển kinh tế xã hội, thu nhập trung bình của người dân, truyền thống
văn hoá, thị hiếu người tiêu dùng…; từ đó có thể quyết định đúng đắn dòng xe máy và các đặc điểm kỹ thuật của xe phù hợp với thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, thị trường ASEAN tuy là thị trường gần gũi về mặt địa lý nhưng rất khác biệt về văn hoá và điều kiện kinh tế xã hội, mỗi nước, mỗi dân tộc lại có yêu cầu khác nhau về cùng một sản phẩm. Do đó, công ty không những phải nắm bắt được cái chung của thị trường khu vực, mà còn phải nắm được các điểm riêng biệt ở thị trường từng nước về luật pháp, văn hoá, xã hội, phong tục tập quán, thị hiếu người tiêu dùng từng nước. Các thông tin này công ty có thể tự điều tra hoặc thông qua các nguồn tin cậy như Ban Thư ký ASEAN tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước ASEAN, Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các nước ASEAN, các trung tâm xúc tiến thương mại của các nước, các website uy tín và các phương tiện thông tin khác.
Thứ ba, bên cạnh việc tìm hiểu thông tin, thông qua các cơ quan đề cập ở trên,
công ty có thể giới thiệu sản phẩm tới thị trường nước ngoài. Ngoài ra, hàng năm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các tổ chức kinh tế khác thường tổ chức các cuộc hội thảo nhằm nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường trên thế giới, giới thiệu những doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài, phân tích tình hình diễn biến thị trường… Đây được coi là cơ hội cho công ty Honda Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nói chung tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Thứ tư, ngoài việc tăng cường nghiên cứu các thông tin về thị trường, bạn hàng, người tiêu dùng ở khu vực ASEAN; một việc cũng không kém quan trọng là Honda Việt Nam phải tìm hiểu cặn kẽ, theo dõi sát sao các chính sách của Nhà nước đối với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới hoạt động sản xuất xuất khẩu xe máy, hiểu rõ các tiến trình tham gia ATIGA của sản phẩm xe máy và linh kiện xe máy và cũng như các nguồn nguyên phụ liệu phía nhà cung cấp.
● Xây dựng một bộ phận chuyên trách công việc nghiên cứu thị trường:
Có thể nói hiện nay lực lượng nghiên cứu thị trường của công ty chưa rõ ràng, phần lớn cán bộ trong phòng Logistics Hải ngoại chỉ thực hiện công tác xây dựng kế hoạch sản xuất để đáp ứng đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu và các nghiệp vụ về
xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, cán bộ phòng Đời xe trước khi triển khai một mẫu xe mới cho thị trường nước ngoài đều cần báo cáo sơ lược Ban giám đốc về tình hình phát triển của thị trường xe máy ở quốc gia đó. Nhưng vì chưa có kiến thức nghiên cứu thị trường, thông thường dữ liệu này được lấy dữ liệu từ báo cáo từ phía nhà nhập khẩu. Do đó, thông tin chỉ là thứ cấp, không được cập nhật và bảo đảm tính chính xác.
Yêu cầu đặt ra cho công ty là thành lập một bộ phận chuyên trách về thu thập và xử lý thông tin với đội ngũ cán bộ năng động, có trình độ chuyên môn và giỏi ngoại ngữ, biết sử dụng kết hợp các biện pháp nghiên cứu thị trường. Mục đích là để nắm bắt nhu cầu, đặc điểm của từng thị trường một cách cụ thể và chính xác, từ đó phân ra thị trường thích hợp cho từng dòng xe của công ty và triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu về sau. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ phận này bao gồm:
+ Thu thập thông tin và phân tích môi trường kinh doanh ASEAN; + Điều tra, thăm dò nhu cầu thị trường ASEAN;
+ Thu hồi thông tin từ phía đối tác;
+ Lập các kế hoạch marketing cho công ty ở thị trường ASEAN; + Phân tích các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Công tác này nghiên cứu thị trường có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Honda Việt Nam, giúp công ty tìm hiểu và đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường đối với dòng xe mới trong tương lai. Nắm bắt được những thông tin chính xác về thị trường mới có thể ra những quyết sách đúng đắn, chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh thích hợp.