3.3.1.1. Tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý xuất khẩu thông thoáng
Thủ tục hành chính hiện nay đã đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và được xã hội đánh giá cao. Ví dụ như hồ sơ hải quan đã được đơn giản hóa, chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan, đối với các chứng từ khác tùy từng trường hợp mà doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan. Do vậy, Nhà
nước, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính cần tiếp tục phát huy điều này thông qua một số biện pháp sau:
- Cải tiến hơn nữa các thủ tục hải quan cho xuất khẩu xe máy và linh kiện xe máy theo hướng đơn giản hóa mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả, giảm thiểu thời gian và các chi phí không cần thiết; ngành Hải quan cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương mại trong khi vẫn duy trì kiểm soát đối với hàng hóa, người và phương tiện vận tải di chuyển quốc tế, nhất là cần hướng đến sự cân bằng lợi ích hợp lý giữa việc bảo đảm tuân thủ với việc giảm thiểu sự gián đoạn trong thương mại, giảm chi phí cho thương mại hợp pháp và giảm chi phí xã hội;
- Cải tiến hệ thống luật pháp, chính sách trong kinh doanh xuất khẩu mặt hàng xe máy và linh kiện xe máy nói riêng, cũng như mọi mặt hàng xuất khẩu nói chung theo hướng ổn định và nhất quán; cơ chế xuất nhập khẩu trong ngành phải được soạn thảo cho thời kỳ dài từ 5 đến 10 năm để đảm bảo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp;
- Cải tiến hệ thống tổ chức quản lý xuất khẩu theo hướng tăng cường tập trung chuyên môn hóa, quy định rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm cho từng cấp quản lý để xóa bỏ tiêu cực trong quản lý xuất khẩu.
Đảm bảo việc kinh doanh xuất khẩu thông thoáng sẽ làm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường và đối mặt với môi trường cạnh tranh khốc liệt khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
3.3.1.2. Giữ thống nhất và ổn định danh mục mã HS
Hiện nay, việc làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Việt Nam đều được yêu cầu khai báo cho cơ quan Hải quan về mã HS của sản phẩm (Harmonized Commodity Description and Coding System - Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa). Đây là cơ sở để cơ quan Hải quan áp thuế suất tương ứng cho doanh nghiệp, đồng thời thống kê được thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.
Mặc dù hiện nay thuế xuất khẩu cho các mặt hàng xe máy và linh kiện xe máy là 0%, tuy nhiên khi Tổng cục Hải quan ban hành một biểu thuế mới thì một số mã HS mà doanh nghiệp dùng để khai báo trong một thời gian dài lại bị áp vào một mã
mới, điều này khiến doanh nghiệp khó quản lý và dễ nhầm lẫn khi làm thủ tục khai báo, gây mất thời gian trong việc thông quan hàng hóa.
Bên cạnh đó, với mặt hàng linh kiện xe máy Honda Việt Nam và các doanh nghiệp xe máy khác nhập khẩu từ nước ngoài, tranh chấp về việc áp dụng mã HS nào cũng như mức thuế nhập khẩu bao nhiêu thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến thời gian và tiền bạc doanh nghiệp. Ví dụ trong năm 2011, Honda Việt Nam đứng trước nguy cơ bị truy thu 3,340 tỷ đồng tiền thuế. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, các linh kiện (chi tiết, bộ phận, cụm linh kiện) là những sản phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa được lắp ráp hoặc chưa phải là sản phẩm hoàn thiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có mức thuế ưu đãi (từ 5-10%) với điều kiện tổng giá trị của các linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc không vượt quá 10% trên tổng giá trị của tất cả linh kiện phụ tùng cấu tạo lên một chiếc xe hoàn chỉnh. Đối với các trường hợp không đáp ứng được điều kiện trên, hải quan sẽ tiến hành phân loại và áp thuế của cả bộ linh kiện theo mức thuế của xe nguyên chiếc (từ 72-83%). Trước tình hình đó, Honda Việt Nam đã gửi công văn lên Phó thủ tướng yêu cầu xem xét lại quyết định truy thu. Cuối cùng Bộ Tài chính đã chỉ đạo bằng văn bản đến Cục Hải quan địa phương tháo gỡ vấn đề.
Về mặt pháp lý đã có các công cụ để hạn chế những tranh chấp về mã HS. Cụ thể, điều 28 Luật Hải quan 2014 có hiệu lực từ đầu năm 2015 quy định, người khai hải quan được phép đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên, việc xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hàng hóa hay kết nối với các cơ quan hải quan hiện nay tại nhiều địa phương vẫn chưa đi vào thực hiện.
Ngoài ra, việc áp mã HS ở Việt Nam hiện nay phần lớn dựa vào ý chí chủ quan của con người trên cơ sở hệ thống văn bản phức tạp, mã hàng hóa được chia quá nhỏ và phức tạp. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều nước trên thế giới dù Việt Nam đã tham gia và chấp nhận tuân thủ các Hiệp định song phương và đa phương. Nguyên nhân là việc xây dựng biểu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan chức năng là Bộ Tài chính trong nhiều trường hợp bị chi phối bởi các Bộ, Ngành, Hiệp hội…
Do đó, trong thời gian tới, cơ quan ban hành biểu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu hay Bộ Tài chính cần xây dựng một danh mục mã HS thống nhất trong thời gian dài từ 3 đến 5 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong công tác tổ chức xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài.
3.3.1.3. Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại
Thông tin chiếm một vị trí quan trọng trong thành công hay thất bại đối với mỗi doanh nghiệp. Thông tin chính xác, đầy đủ về thị trường và đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp chính là tiền đề cho sự phát triển, khả năng chi phối thị trường và thành công. Đối với các doanh nghiệp thực hiện hoạt động giao dịch thương mại quốc tế tại Việt Nam nói chung và các nhà sản xuất xuất khẩu xe máy nói riêng, hiện nay, công tác thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do quy mô của thị trường quốc tế lớn hơn rất nhiều so với thị trường trong nước, lại thường xuyên biến động phức tạp nên đòi hỏi về thông tin thị trường phải nhanh nhạy và chính xác trong khi việc tiếp nhận các thông tin này ở các nhà sản xuất xe máy Việt Nam vẫn còn rất chậm, thiếu thông tin, độ chính xác không cao. Vì vậy, nhiều khi các doanh nghiệp bị động trong việc ra quyết định thâm nhập thị trường.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất xe máy đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang ASEAN, thời gian tới Nhà nước nên tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động thu thập thông tin về thị trường theo hướng:
- Thành lập các trung tâm nghiên cứu thị trường thế giới: Các trung tâm này có nhiệm vụ thu nhập, xử lý, phân tích và dự báo các biến động diễn ra trên thị trường thế giới, có nhiệm vụ cung cấp thông tin và tư vấn cho các doanh nghiệp cho nhu cầu thâm nhập thị trường mới.
- Nhà nước nên tổ chức cung cấp định kỳ hàng năm, hàng quý các ấn phẩm về thị trường xe máy trên thế giới và tại khu vực ASEAN, tình hình sản xuất của các nhà sản xuất xe máy lớn tại từng nước ASEAN, phân tích ưu điểm và nhược điểm các dòng sản phẩm mới ra của các hãng xe, nhu cầu và thị hiếu sử dụng xe máy của
- Nhà nước cần xây dựng kênh thông tin thương mại thông suốt từ các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công thương đến các Sở Công thương các ở tỉnh thành đến từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm rõ biến động của thị trường một cách nhanh chóng và kịp thời.
- Ngoài việc cung cấp thông tin theo phương thức hỗ trợ cho các nhà sản xuất xe máy, các tổ chức Nhà nước có thể thực hiện thương mại hoá thông tin và áp dụng các phương thức linh hoạt khác nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của từng doanh nghiệp cụ thể. Chẳng hạn như Bộ Công thương đến các Sở Công thương có thể mở văn phòng tư vấn cho doanh nghiệp về phương thức thâm nhập từng thị trường xuất khẩu sao cho hiệu quả và giảm thiểu được rủi ro.
Bên cạnh đó, các Thương vụ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe máy tìm kiếm khách hàng mới thông qua đổi mới, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại tại địa phương; kết hợp xúc tiến thương mại với các hình thức xúc tiến đầu tư, văn hóa, thể thao. Các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cần được tăng cường và mở rộng hơn nữa.
3.3.1.4. Cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống giao thông vận tải
Hiện nay định hướng chung của công ty Honda Việt Nam và các nhà sản xuất xe máy khác tại Việt Nam là dần chuyển đổi điều kiện xuất khẩu từ FOB sang CIF ở tất cả các thị trường, từ đó nhận trách nhiệm chuyên chở hàng hóa đến cảng bên kia của nhà nhập khẩu. Vấn đề mang tính cấp bách hiện nay là hệ thống giao thông vận tải ở Việt Nam còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp nội địa và xuất khẩu. Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; trong khi thiên tai xảy ra thường xuyên gây mất nhiều chi phí sửa chữa, tu bổ cơ sở hạ tầng.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần chủ động đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải biển, cảng biển, đường thủy nội địa, các hãng hàng không; tổ chức nhiều cuộc làm việc, tiếp xúc với các doanh nghiệp này để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh
nghiệp. Nhà nước nên tạo cơ chế, chính sách và một phần vốn để hỗ trợ tăng tính khả thi của dự án, từ đó khuyến khích các nhà đầu tư; sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư có hiệu quả; mọi cấp, mọi ngành tìm kiếm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, kể cả nguồn thu từ cổ phần hóa, cho thuê, chuyển nhượng hạ tầng…
Bên cạnh đó, cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển giao thông vận tải trong tất cả các lĩnh vực như điều hành bay, thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo phương thức điện tử tự động không dừng, thi công cầu lớn, hầm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển giao thông vận tải, phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong liên kết vùng, trước hết là với các nước láng giềng như Lào, Campuchia… và các quốc gia có tuyến giao lưu hàng hải.
Đặc biệt, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cần được chú trọng song song với chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực: hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải.
Đối với giao thông đường biển, Nhà nước cần nâng cao mức độ quản lý, tiếp tục đầu tư phát triển cảng chuyên dùng. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư các công trình kết nối đồng bộ giữa các cảng biển và khu công nghiệp.