Học viện Ngân hàng 46 Khóa luận tốt nghiệp
3.2.3. Đa dạng hóa danh mục tài sản bảo đảm
Phần lớn TSBĐ mà NHNo&PTNT Hà Nội nhận cầm cố, thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, máy móc thiết bị, sổ tiết kiệm. Việc chủ yếu nhận các loại TSBĐ này làm cho danh mục TSBĐ của Chi nhánh trở nên nghèo nàn, không ít các loại TSBĐ khác cũng có trong danh mục quy định nhưng rất ít được sử dụng trong thực tế. Điều này gây khó khăn trong việc tạo lập quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về các loại TSBĐ nói trên. Trong khi đó, có nhiều loại TSBĐ mà doanh nghiệp có thể dễ dàng đáp ứng hơn như các khoản phải thu, vàng, hợp đồng nhận thầu, hợp đồng bán hàng, hợp đồng bảo hiểm, quyền sở hữu công nghiệp, bằng phát minh, sáng chế. Ưu điểm chung của các TSBĐ này là
không tốn kém chi phí quản lý và dễ định giá. Mặt khác trong điều kiện nền kinh tế thị trường phát triển thì những loại hình tài sản này ngày càng phổ biến, ví dụ như số lượng Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ngày càng gia tăng, là cơ sở để Chi nhánh có thể khai thác mở rộng cho vay. Nếu ngân hàng khuyến khích nhận những tài sản này thì sẽ mở rộng được danh mục TSBĐ phù hợp với điều kiện cấp tín dụng, từ đó góp phần mở rộng tín dụng.
Tuy nhiên những TSBĐ cần bổ sung trên còn chứa đựng nhiều rủi ro, đòi hỏi cán bộ tín dụng cần thẩm định kĩ lưỡng các yếu tố về khách hàng cũng như hiệu quả dự án sản xuất kinh doanh để lựa chọn TSBĐ phù hợp. Ban đầu Chi nhánh nên áp dụng những loại TSBĐ này với những khách hàng truyền thống, dự án sản xuất kinh doanh có tính khả thi cao. Từ đó mới tiếp tục mở rộng đối tượng áp dụng.
Như vậy để mở rộng danh mục TSBĐ đòi hỏi Chi nhánh phải có giải pháp để thẩm định và quản lý được các TSBĐ đó. Danh mục TSBĐ được mở rộng không những giúp cho khách hàng dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các điều kiện vay vốn, góp phần mở rộng tín dụng mà còn nâng cao chất lượng TSBĐ, chất lượng tín dụng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho Chi nhánh.