III. NHIỆM VỤ GIÁO DỤC
1. Giáo dục đạo đức:
Nhiệm vụ này đòi hỏi phải giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, pháp luật xã hội chủ nghĩa cho học sinh, xây dựng cho họ ý thức, tình cảm, ý chí và thói quen hành vi về chính trị - đạo đức.
- Về mặt tư tưởng: giáo dục cho học sinh hệtư tưởng Mác- Lê nin, bao gồm thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, tư tưởng độc lập tự do và chủnghĩa xã hội.
- Về mặt chính trị - pháp quyền: giáo dục đường lối chính sách của Đảng và pháp chế của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Về mặt đạo đức: giáo dục lòng yêu nước, yêu lao động, yêu khoa học và yêu những giá trị văn hóa tiến bộ của loài người, đồng thời trân trọng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho học sinh như đức hy sinh, dũng cảm, tính liêm khiết, trung thực, khiêm tốn, tự tin, tự trọng...
Phẩm chất đạo đức là một trong các mặt quan trọng nhất của ý thức xã hội, tiêu biểu cho bộ mặt xã hội đương thời, nên giáo dục đạo đức được coi là nhiệm vụ hàng đầu, luôn gắn chặt và thấm sâu vào các mặt giáo dục khác là trí dục, thể dục và mỹ dục. Một con người thông minh, tài hoa, khỏe mạnh chỉ thực sự làm nên sự nghiệp giúp ích cho xã hội khi có được cái tâm, cái đức làm người, sẵn sàng đem trí tuệ, sức lực, tài hoa cống hiến cho lý tưởng cao đẹp của nhân dân lao động, của dân tộc và của loài người tiến bộ mà không tính toán do dự, khuất phục trước mọi thử thách, gian lao. Đạo đức không phải là yếu tố bẩm sinh mà là một tố chất đặc biệt mà mỗi con người phải học hỏi tiếp thu và dày công rèn luyện suốt đời. Vì vậy giáo dục đạo đức trong nhà trường không gói gọn trong môn đạo đức, công dân mà cần được thực hiện trong tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Hình thức và phương pháp giáo dục đạo đức phải phong phú và đa dạng theo nguyên tắc lý thuyết gắn với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nhà giáo dục phải là tấm gương vềđạo đức cho học sinh noi theo.