Thái Lan là nước đi lên từ nông nghiệp, là quốc gia có điều kiện phát triển khá tương đồng với Việt Nam. Trong những năm gần đây, Thái Lan đã chú trọng phát triển bền vững, quan tâm phát triển nông thôn cả về nông nghiệp và các ngành phi nông nghiệp. Việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn như vậy là nhằm giảm tác động tiêu cực của sự di dân và lao động từ nông thôn ra thành thị, tạo thuận lợi cho xây dựng nông thôn và đô thị theo hướng hiện đại, bền vững. Trong những năm qua
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan đạt mức bình quân hàng năm là khoảng 5,5 - 6,5%, khu vực nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng trong cơ cấu GDP ở mức 8,2 - 9%, cơ cấu lao động đã chuyển dịch từng bước theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp: từ 62,1% năm 1990, giảm xuống còn 31,8% vào năm 2015[8] .
Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong phát triển nông thôn Thái Lan đã khuyến khích phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tạo việc làm tại chỗ, chuyển đổi lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp tại địa phương, từ đó góp phần hạn chế lao động di cư tự do từ nông thôn ra thành thị, góp phần giảm sức ép về dân số và các vấn đề xã hội tại các đô thị lớn như thủ đô Bankok và các thành phố lớn.
Để khuyến khích phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở địa bàn các vùng nông thôn, Thái Lan đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách như hỗ trợ đào tạo chuyển nghề và nâng cao trình độ chuyên môn, hỗ trợ tín dụng cho những nông dân mở mang các ngành nghề mới; tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa nông thôn góp phần thu hút lao động tại chỗ ở khu vực nông thôn; khuyến khích phong trào thanh niên nông thôn khởi nghiệp, tham gia các khoá đào tạo nghề và tích cực tìm kiếm việc làm tại địa phương nông thôn.
Bên cạnh đó, Thái Lan còn triển khai chính sách đưa công nghiệp về nông thôn với mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động dôi dư ở nông nghiệp thôn. Để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia tích cực vào phát triển công nghiệp nông thôn Chính phủ đã thực hiện các chính sách ưu đãi, tăng cường hỗ trợ về thủ tục đầy tư, phát triển kết cấu hạ tầng, giảm thuế cho các dự án đầu tư vào công nghiệp nông thôn. Nhờ đó, nhiều nhà máy thuộc các ngành công nghiệp chế biến nông sản sử dụng nhiều lao động và công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã được thành lập và đi vào hoạt động trên
địa bàn nông thôn, trong đó có cả các vùng sâu, vùng xa, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng hợp lý.