Tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển thị trường lao động phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 136 - 139)

lao động phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có nguồn lao động phù hợp về trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề, do đó nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng chuyên môn của lao động nông thôn là điều kiện quan trọng để chuyển bền vững lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp ở nông thôn. Trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề cao của lao động nông thôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tạo việc làm tại chỗ cũng như phân bổ lại lao động từ ngành này sang ngành khác, từ vùng này sang vùng khác. Đồng thời chất lượng lao động cao cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao sức cạnh tranh của nguồn lao động và thúc đẩy việc xuất khẩu lao động.

Để có nguồn lao động nông thôn có trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề cao trước hết cần trang bị trình độ học vấn thông qua giáo dục đào tạo từ tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đối với giáo dục tiểu học cần tiếp tục thực hiện chủ trương phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, thực hiện xã hội hoá giáo dục tiểu học bằng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển mô hình các trường tư thục chất lượng cao từ cấp tiểu học. Trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 cần có tối thiểu là 7 trường tư thục chất lượng cao. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tăng cường hỗ trợ, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh là con em ngư dân, trẻ khuyết tật tích cực học tập với các hình thức thích hợp.

Đối với giáo dục trung học cấp cơ sở cần phải tiếp tục triển khai xây dựng các trường Trung học cơ sở có tính liên xã, phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu 200 trường trường trung học cơ sở công lập đến năm học 2024-2025. Cần tiếp tục thực hiện xã hội hoá trong phát triển giáo dục trung học cơ sở,

tiếp tục khuyến khích hình thành những trường trung học cơ sở tư thục có chất lượng cao, không những phục vụ các thành phố, thị trấn mà cả địa bàn nông thôn. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục trung học cơ sở theo các yêu cầu, tiêu chuẩn của trường chuẩn Quốc gia.

Đối với giáo dục trung học phổ thông cần phối hợp phát triển các trường công lập và tư thực. Trong thời gian tới cần giữ nguyên 29 trường công lập hiện có, tiếp tục chuyển đổi mô hình 6 trường bán công sang tư thục. Đối với các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn cần chuyển trường bán công sang trường công lập. Trong quá trình chuyển đổi các trường trung học phổ thông từ loại hình này sang loại hình khác cần đảm bảo nguyên tắc ổn định của toàn hệ thống trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Song song với giáo dục phổ thông đối với người lao động đến 35 tuổi cần phải tiếp tục củng cố kết quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, đồng thời tích cực xoá mù chữ cho đối tượng ngoài 35 tuổi, đối với thanh niên đến 25 tuổi phải đảm bảo phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phát huy vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng trong việc tạo điều kiện cho lao động nông thôn có thêm cơ hội học tập, nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng lao động, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần hình thành xã hội học tập ở nông thôn.

Để CDCCLĐ trong xây dựng nông thôn mới cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của lao động nông thôn bằng cách phát triển và đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề. Trình độ chuyên môn vững là điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng cung lao động, tạo và mở rộng thêm cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Trong những năm tới tỉnh cần tiếp tục quan tâm phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nghề như các trường, trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn nông thôn thuộc tất cả các địa phương cấp huyện trong tỉnh. Về nội dung dạy nghề cần gắn với phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là phát huy hình thức đào tạo tại chỗ làm việc trong làng nghề, doanh nghiệp

trong khu công nghiệp để tạo lập nguồn lao động phù hợp cho phát triển các làng nghề, doanh nghiệp tại chỗ.

Trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch hệ thống cơ sở dạy nghề. Để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho người lao động nông thôn cần tiếp tục chú trọng nâng cấp các trường trung cấp gồm Trường Trung cấp nghề Thái Bình và trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật lên thành các trường cao đẳng nghề, đảm bảo số lượng các cơ sở đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh đạt số lượng tối thiểu là 46 cơ sở, với cơ cấu gồm 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 17 trung tâm dạy nghề, 19 cơ sở dạy nghề để có thể phục vụ quy mô tuyển sinh khoảng 27.000 học sinh/năm.

Vai trò quan trọng trong nâng cao trình độ lao động nông thôn, thúc đẩy CDCCLĐ trong xây dựng nông thôn mới thuộc về các trung tâm khuyến nông, trung tâm khuyến ngư và các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn các xã. Các trung tâm này góp phần tích cực, trực tiếp vào thực hiện chuyển giao công nghệ cho sản xuất nông nghiệp. Để phát huy vai trò của các cơ sở này cần chú trọng đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên bằng cách tăng cường đào tạo bồi dưỡng. Cần tập trung đào tạo bồi dưỡng đối ngũ giáo viên chất lượng cao cho các nghề như may thời trang, nghề điện dân dụng và điện công nghiệp, vận hành, sửa chữa các loại máy công cụ, các nghề chăn nuôi và trồng trọt những cây con có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là các nghề nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ thú y, chế biến nông sản.

Tiếp tục tập trung tăng cường đầu tư hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, tạo thuận lợi cho nâng cao hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cần được phát triển theo hướng đảm bảo chuẩn hoá. Đối với đội ngũ giáo viên đang dạy các nghề trọng điểm cần áp dụng các yêu cầu tiêu chuẩn cấp độ quốc gia về trình độ, kỹ năng sư phạm dạy nghề. Nghiên cứu thực hiện thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi, nghệ nhân, nông dân có kinh nghiệm sản xuất giỏi

cùng tham gia đào tạo và bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn. Tại trường cao đẳng nghề của tỉnh cần sớm thành lập khoa sư phạm dạy nghề nhằm mục tiêu đào tạo giáo viên dạy nghề có nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề...

Để đào tạo nghề góp phần tích cực vào CDCCLĐ trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo và tài liệu học tập theo tiêu chuẩn nghề quốc gia, đồng thời tích cực nghiên cứu tiếp thu những nội dung phù hợp với lao động nông thôn của tỉnh từ các chương trình, tài liệu dạy nghề của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Để nâng cao chất lượng dạy nghề phục vụ CDCCLĐ trong xây dựng nông thôn mới cần có nguồn kinh phí đảm bảo. Nhu cầu về kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho các cơ sở sản xuất dạy nghề cho lao động tại chỗ, bình quân hàng năm cần khoảng 30 tỷ đồng cho đầu tư mở rộng và nâng cấp các điều kiện kết cấu hạ tầng cho dạy nghề như nhà xưởng và các công trình phụ trợ, đồng thời hiện đại hoá thiết bị dạy nghề, hỗ trợ chi phí cho người học nghề. Ngoài ra cần hỗ trợ bổ sung về lãi suất vay để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho những nông dân trong diện bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 136 - 139)