Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với tốc độ tăng trung bình cả nước, theo đó cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực. Nếu như vào năm 2008, về cơ cấu các ngành trong GRDP của tỉnh là: nông nghiệp chiếm 14,38%, công nghiệp - 56,16%, dịch vụ - 29,46% thì năm 2016 tương ứng là 7,14%; 44,89%; 23,4%. Năm 2008, lao động nông nghiệp chiếm 58,82%; lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 21,98% và lao động dịch vụ chiếm 26,20% tổng số lao động của tỉnh, thì năm 2016 tương ứng là 33%; 32% và 35% [19].
Có được kết quả trên, trong giai đoạn kể từ sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc đã thực hiện các giải pháp như:
- Tăng cường CDCCKT theo ngành gắn liền với CDCCLĐ theo hướng CNH, HĐH.
+ Vĩnh Phúc khi tái lập tỉnh đãc đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tập trung, coi đó là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện đẩy nhanh CNH, HĐH. Sự phát triển mạnh của công nghiệp (đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp) do đó đã thu hút hàng vạn lao động từ khu vực nông nghiệp sang làm việc tại các ngành công nghiệp, dịch vụ.
+ Những năm qua Vĩnh Phúc rất coi trọng chính sách ưu đãi đầu tư, do đó số doanh nghiệp của tỉnh tăng nhanh, nếu như năm 2010 số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh là 3.513 doanh nghiệp, giá trị vốn sản xuất kinh doanh là 15.544 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI là 116 doanh nghiệp, giá trị vốn sản xuất kinh doanh là 25.813 tỷ đồng, thì đến năm 2016 số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đã tăng lên thành 3.731 doanh nghiệp, giá trị vốn sản xuất kinh doanh đạt trên 160.264 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI là 173 doanh nghiệp, giá trị vốn sản xuất kinh doanh là 95.607 tỷ đồng. Tại Vĩnh Phúc đã hình thành được một số ngành công nghiệp quan trọng mũi nhọn như: Điện tử công nghệ cao, cơ khí, lắp ráp ô tô, lắp ráp xe máy, sản xuất vật liệu xây dựng, giầy da, dệt may,… do đó thu hút số lao động tăng từ 75.351 người năm 2010 lên 159.405 người năm 2016, chiếm khoảng 25,5% số lao động làm việc ở tỉnh [19].
+ Song song với việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ hiện đại, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, quy hoạch tổng thể các làng nghề truyền thống tiểu thủ công
nghiệp trên địa bàn các huyện như phát triển nuôi bò ở Vĩnh Tường, Yên Lạc; trồng hoa ở Mê Linh, phát triển cây ăn quả ở Lập Thạch, Tam Dương. Việc đưa các giống cây, con có giá trị gia tăng cao vào sản xuất đã tạo ra nhiều việc làm mới và việc làm thêm cho lao động nông nghiệp, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, nhờ đó đã thành công bước đầu trong CDCCLĐ từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tại chỗ, trên địa bàn nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc.
- Tỉnh rất coi trọng các hình thức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đặc biệt là cho lao động tại vùng thu hồi đất nông nghiệp. Nhờ sự quan tâm đối với đào tạo nghề cho lao động của Tỉnh, đã xây dựng và đưa vào hoạt động 78 cơ sở đào tạo: 03 trường đại học, 13 trường trung cấp chuyên nghiệp, 55 cơ sở dạy nghề. Tỉnh đã quan tâm dạy nghề cho lao động nông thôn với
nhiều ngành nghề phong phú, đa dạng. Do đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Vĩnh Phúc đã đạt mức 51,2%, nhờ đó tạo ra điều kiện tthuận lợi thúc đẩy CDCCLĐ theo ngành và trong từng ngành. Nhìn chung, hệ thống cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã và đang liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, kịp thời nắm bắt thông tin để gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Nhờ các biện pháp hiệu quả kể trên, đã có hơn 30.000 lao động thuộc diện những hộ bị thu hồi đất đã tìm được việc làm trong các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy CDCCLĐ phù hợp với CDCCKT ngành.
- Vĩnh Phúc đã ban hành, thực hiện các chính sách, biện pháp về việc làm, tổ chức phát triển kinh tế, gắn với CDCCLĐ và tạo việc làm.
Điểm mới của tỉnh Vĩnh Phúc so với các địa phương khác là thực hiện linh hoạt các chính sách đối với người lao động như: Hỗ trợ kinh phí cho lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, hỗ trợ học nghề 350.000 đồng/ người, có chính sách riêng hỗ trợ 1 triệu đồng/ người đối với lao động thuộc hộ bị thu hồi đất. Đặc biệt, hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội đối với hộ nghèo với mức 10 triệu đồng cho năm đầu và với lãi suất ưu đãi là 0,25%/tháng. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn cung cấp đầy đủ các thông tin về những hợp đồng mà đơn vị xuất khẩu lao động thực hiện như: Đặc điểm quốc gia, nơi lao động xuất khẩu sẽ làm việc, nội dung cụ thể của công việc, điều kiện làm việc, mức thu nhập thường xuyên và điều kiện đời sống khi ở nước ngoài, các khoản phí phải nộp, những quy định đảm bảo thực hiện hợp đồng …
Vĩnh Phúc luôn luôn khuyến khích sự liên kết phối hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện quy định của Tỉnh về giao đất cho cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất làm dịch vụ, nhằm khuyến khích giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động lớn tuổi mất đất. Đây là biện pháp khá hiệu quả thúc đẩy CDCCLĐ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, góp phần ổn định đời sống dân cư.