Kinh nghiệm của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 59 - 60)

Trung Quốc bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa nền kinh tế bắt đầu từ năm 1978 với chiến lược công nghiệp hoá toàn diện. Trong những thập kỷ 1980, 1900 (thế kỷ XX), Trung Quốc lựa chọn mô hình phát triển phi cân đối, đặt trọng tâm phát triển là khu vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước với quy mô dân số lớn nhất thế giới, phục vụ xuất khẩu và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trong độ tuổi hàng năm tăng thêm hàng chục triệu người. Tập trung phát triển công nghiệp và đô thị ở các vùng ven biển phía Đông để thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn ở các vùng trong nội địa.

Nhờ thực hiện mô hình này, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao 9 - 10% trong nhiều năm, tỷ lệ dân số đô thị tăng lên nhanh từ 18% (1978) tăng lên hơn 44% (2007), tỷ lệ lao động nông nghiệp từ chỗ chiếm hơn 65% (1980) giảm xuống còn 27,7% (2017), tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong cơ cấu GDP hiện nay chỉ còn khoảng 7,9% [8]. Tuy nhiên, do phát triển tập trung vào khu vực công nghiệp và đô thị, nên Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa khu vực nông thôn và đô thị, giữa các vùng phía Tây và phía Đông trong nước tăng lên nhanh chóng. Các vùng phía Tây phần lớn chậm phát triển, tỷ lệ nghèo cao trong khi một số vùng ven biển phía Đông phát triển quá nóng, ô nhiễm môi trường kể cả ô nhiễm môi trường đô thị do sản xuất công nghiệp tập trung ngày càng gia tăng làm quá trình phát triển và CDCCLĐ thiếu tính bền vững.

Những năm gần đây, để giảm bớt mức độ chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong nước, giữa khu vực nông thôn và đô thị, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và nông thôn, đưa ra khẩu hiệu tiến về phía Tây, phát triển các vùng sâu trong nội địa để phân bố lại lực lượng sản xuất, kết hợp hài hoà phát triển giữa các vùng.

Để tạo việc làm tại chỗ cho lao động ở nông thôn, đáng chú ý, từ đầu những năm 1980, Trung Quốc phát triển mô hình xí nghiệp hương trấn, mở ra con đường phát triển công nghiệp nông thôn mang màu sắc Trung Quốc. Xí nghiệp hương trấn là tên gọi chung các xí nghiệp công thương nghiệp và xây dựng, hoạt động ở khu vực làng xã, thị trấn ở nông thôn, về cơ bản xí nghiệp hương trấn là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Mô hình xí nghiệp hương trấn đã giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn của Trung Quốc trong những thập kỷ 1980, 1990.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển ồ ạt, thiếu quản lý chặt chẽ của nhà nước, đến những năm cuối của thập kỷ 1990, mô hình phát triển xí nghiệp hương trấn ở Trung Quốc dần bộc lộ một số hạn chế như sản phẩm làm ra có giá thành cao, chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh nên khó tiêu thụ trên thị trường.

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 59 - 60)