Nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 116 - 122)

Những hạn chế nêu trên là do nhiều nguyên nhân, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp là hoạt động truyền thống lâu đời của dân cư nông thôn, trong khi mức độ phát triển của công nghiệp, dịch vụ và mức độ đô thị hoá còn chưa đủ sức tạo động lực chuyển đổi lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Đặc thù về điều kiện tự nhiên và KT- XH của tỉnh Thái Bình vẫn đang thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 70% diện tích tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 60%, đất trồng lúa - trên 50%, Thái Bình là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước lâu đời, dân cư nông thôn chủ yếu quen với các hoạt động sản xuất kinh doanh

nông nghiệp, khi vẫn còn đủ ăn thì chưa nhất thiết phải chuyển đổi ngành nghề. Cho đến năm 2010, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nông nghiệp chiếm 44.59%; công nghiệp - 35.87%; dịch vụ - 23.01%. Dân số nông thôn trong cơ cấu lao động chiếm 90% [11]. Mặc dù trong những năm gần đây, trong phát triển KT-XH của địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nông thôn mới đã được chú trọng, nhưng cho đến nay việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp chưa nhanh, lao động thời vụ ở địa phương vẫn đảm bảo duy trì cuộc sống. Sự thu hút lao động của các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh nói chung và đặc biệt là trên địa bàn nông thôn của tỉnh nói riêng vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo việc làm có thu nhập cao cho lao động nông nghiệp được giải phóng ở nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, chất lượng lao động nông thôn chưa cao trong khi công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề đã từng bước được chú trọng trên địa bàn tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản tạo cơ chế thuận lợi cho công tác đào tạo nghề như Quyết định số 619/QĐ-UBND ngày 28/03/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án dạy nghề cho LĐNT giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, tỉnh Thái Bình ban hành kèm theo Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 05/7/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Quyết định số 265/QĐ-UBND ngày 29/1/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Quyết định số 3044/QĐ-UBND ngày 08/12/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt danh mục nghề, mức chi phí đào tạo từng nghề, mức hỗ trợ từng nhóm đối tượng theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Kế hoạch số

73/KH-UBND ngày 08/12/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 29/9/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ sở dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động…

Theo đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước hình thành và phát triển theo quy hoạch; quy mô, cơ cấu các ngành nghề đào tạo cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, phù hợp với điều kiện học tập của người lao động. Số lượng người lao động được tuyển sinh đào tạo, dạy nghề ở các cấp trình độ ngày một tăng. Các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh cũng như phục vụ tốt quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Việc điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tuyển dụng được lao động qua đào tạo và qua đó người lao động có thể lựa chọn nghề phù hợp để tham gia học nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm (bình quân 2,5%/năm), góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế bất cập, chưa thực sự gắn kết với nhu cầu sử dụng và yêu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề ở tỉnh còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề trình độ cao. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cấp uỷ, chính quyền các cấp (đặc biệt là cấp xã) và người dân về tầm quan trọng của học nghề còn hạn chế. Tâm lý

xã hội vẫn còn chú trọng việc học đại học; coi việc học nghề chưa phải là chỗ dựa vững chắc đối với việc lập nghiệp, tìm việc làm và tự tạo việc làm ổn định lâu dài của người lao động. Hệ thống tổ chức, quản lý nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của công tác đào tạo nghề nghiệp; chưa có cán bộ quản lý, giám sát chuyên trách về giáo dục nghề nghiệp ở cấp huyện và xã nên việc phối hợp để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả chưa cao. Ban chỉ đạo ở cấp xã hiện chưa đáp ứng được yêu cầu về triển khai và giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Kinh phí của Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, trong khi đó nguồn kinh phí địa phương dành để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều. Việc giám sát, đánh giá các hoạt động đào tạo nghề nghiệp chưa được thường xuyên; chưa có chế tài cụ thể để gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo có địa chỉ và thực hiện tốt việc giải quyết việc làm sau đào tạo; chưa thực sự khuyến khích, huy động được nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn dàn trải, chưa tập trung nên hiệu quả chưa cao, chưa tập trung ưu tiên đầu tư vào các nghề mũi nhọn, trọng điểm phục vụ quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Máy móc, thiết bị được đầu tư phục vụ đào tạo chưa phát huy hết hiệu quả. Chưa nhận được nhiều sự tham gia của đội ngũ các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi .. vào việc tham gia giảng dạy cũng như xây dựng chương trình, giáo trình và học liệu dạy nghề.

Trong thực hiện chính sách việc làm, một số chính quyền cơ sở do chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm về chính sách việc làm, chưa quan tâm đầy đủ chính sách tạo việc làm cho người dân, chưa coi đây là giải pháp đảm bảo chính sách an sinh xã hội ở địa phương. Hoạt động của hệ thống thông tin thị

trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển xã hội, thiếu thông tin và việc kết nối thông tin giữa các bên (cung - cầu) trên thị trường lao động chưa đồng bộ, vai trò phối hợp giữa các bên (cung - cầu) trên thị trường lao động chưa gắn kết chặt chẽ, dự báo nhu cầu lao động còn hạn chế; thị trường lao động nước ngoài khắt khe, thu hẹp, người dân chưa quan tâm nhiều đến thị trường lao động. Việc tổ chức đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo nhưng số lao động tham gia còn hạn chế.

Thứ ba, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn của một số địa phương vẫn yếu kém ở từng mặt, chưa thực sự tạo thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Mặc dù đến nay, toàn tỉnh đã có 92% số xã có đường trục xã đạt chuẩn nông thôn mới và được rải nhựa, bê tông 100%, song tỷ lệ chiều dài đường trục xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới vẫn chiếm 13% tổng chiều dài đường trục xã; tỷ lệ chiều dài đường trục thôn chưa đạt chuẩn nông thôn mới là 6,3%; tỷ lệ chiều dài đường ngõ, xóm chưa đạt chuẩn nông thôn mới là 14%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng chưa đạt chuẩn nông thôn mới là 30%.

Đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới theo địa bàn các huyện cho thấy tính đến hết năm 2018 còn nhiều huyện vẫn chưa đạt đầy đủ các thiêu chí. Cụ thể là: Huyện Quỳnh Phụ chưa đạt tiêu chí về Quy hoạch và về Giao thông. Về Quy hoạch huyện vẫn đang lựa chọn nhà thầu để thực hiện lập quy hoạch theo quy định. Về Giao thông: Huyện còn phải triển khai thực hiện nâng cấp, tu sửa 5 hạng mục bao gồm 02 hạng mục đang triển khai thi công; 01 hạng mục đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công; 01 hạng mục đang thẩm định kế hoạch đầu thầu; 01 hạng mục phải lập Báo cáo chủ trương đầu tư. Huyện Tiền Hải cũng chưa đạt tiêu chí về Quy hoạch. Về Giao thông cần phải duy tu, sửa chữa 26,7km đường huyện; xây dựng mới 5km đường; tiếp tục thi công tuyến đường đê 6 chiều dài 3,2 km.

- Về nguồn vốn. Với tư cách là tỉnh nghèo, chưa cân đối được thu, chi ngân sách, nên nguồn vốn vẫn phải dựa vào sự phân bổ của Trung ương. Thái Bình là tỉnh có mật độ dân số cao, quy mô tổng giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho tích luỹ của doanh nghiệp và dân cư cho đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động. Do đó, cùng với những yếu kém của thị trường vốn chính thức trên địa bàn Tỉnh, nguồn vốn huy động cho sản xuất kinh doanh ngoài nguồn tín dụng của các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì chủ yếu từ người thân, thậm chí từ tín dụng cho vay nặng lãi...

- Về khoa học - công nghệ

Thiếu vốn kéo theo hạn về nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ nhân giống các loại cây con chưa hiệu quả, do đó tỉnh chưa xây dựng có những thương hiệu mạnh về nông sản để cạnh tranh hiệu quả về nông sản cùng loại với các địa phương khác trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề, khu, cụm công nghiệp, xử lý rác thải ở nông thôn chưa ứng dụng được công nghệ mới hiệu quả, các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái và ở các vùng ngập mặn, các vùng cửa sông ven biển chưa được chú trọng. Nguyên nhân của những yếu kém trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ còn do sự thiếu hụt về số lượng và chưa đáp ứng về chất lượng nhân lực quản lý cũng như nhân lực chuyên môn về khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Chƣơng 4

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 116 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w