Dự báo bối cảnh quốc tế

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 122 - 123)

Trong những năm gần đây kinh tế thế giới về đã phục hồi, mặc dù có những thăng trầm song quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế vẫn tiếp tục phát triển. Tình hình kinh tế thế giới nhìn chung đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ kiểu mới và sự tranh chấp các vùng ảnh hưởng, vùng giàu tài nguyên.. của các nước lớn.

Những điều chỉnh của các nước lớn và các thể chế kinh tế quốc tế vẫn đang tiếp tục gia tăng và tác động đến phát triển kinh tế của từng khu vực cũng như đối với toàn thế giới. Dự báo trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đều có xu hướng giảm và có tác động đáng kể tới phát triển kinh tế, trong đó có phát triển nông nghiệp đối với các nước.

Dự báo trong những năm tới, sản xuất nông nghiệp của thế giới tiếp tục phát triển. Các nước ASEAN sẽ tiếp tục có nhiều tiến bộ trong cải thiện năng suất và sản lượng cùng những thay đổi về cơ cấu kinh tế nói chung, trong sản xuất nông nghiệp nói riêng theo hướng: tỷ trọng của sản xuất nông nghiệp trong GDP giảm; trong GDP ngành nông nghiệp: tỷ trọng ngành trồng trọt giảm, nhiều nước sẽ có xu hướng tập trung vào sản xuất thịt, hoa quả và các mặt hàng rau. Từ đó cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp.

Dự báo triển vọng về phát triển nông nghiệp trong những năm tới vẫn tiếp tục dựa trên cơ sở tăng năng suất và được tập trung chủ yếu tới các nước đang phát triển. Tại các nước ASEAN sẽ diễn ra sự thay đổi về chất và lượng của các yếu tố sản xuất nông nghiệp như vốn, lao động, phân bón, nước tưới trong xu thế ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, dự kiến là sản lượng một số mặt hàng nông sản sẽ tăng khá nhanh như đường, gia cầm, dầu thực vật…

Như vậy, những biến đổi khó lường trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, sự biến đổi của yếu tố địa kinh tế, địa chính trị và giai đoạn mới của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại vừa mở ra những cơ hội mới cho Việt Nam nói chung, từng địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình nói riêng những cơ hội để phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới theo hướng tích cực, đồng thời cũng tạo ra những thách thức ngày càng lớn đối với quá trình này, đòi hỏi phải xác định đúng đắn vị thế đất nước và từng địa phương trong sự phát triển chung và xu hướng cụ thể của chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 122 - 123)