Các chủ trương, biện pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 80 - 81)

mới ở Thái Bình

Trong những năm qua Thái Bình đã tích cực triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Nghị quyết số 26-NQ/TW và các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII và XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành và tích cực chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28 tháng 4 năm 2011 về "xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020". Theo đó Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, triển khai thực hiện các đề án như dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch và xây dựng các vùng lúa chất lượng cao, vùng cây màu, cây vụ đông;

phát triển cây đậu tương, cây ngô, cây khoai tây và rau quả xuất khẩu; xây dựng cánh đồng mẫu; phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn; tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật và thú y; đẩy mạnh cơ giới hoá trong nông nghiệp; quy hoạch vùng nuôi ngao; phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển...

Xây dựng và thực hiện đề án sản xuất gắn với cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015; hỗ trợ mua máy nông nghiệp; hỗ trợ trồng cây vụ đông; phát triển nuôi ngao vùng ven biển; tăng cường chủ động kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi; các chính sách khuyến nông, khuyến công; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở nông thôn; hỗ trợ phát triển nghề làng nghề, xây dựng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, dịch vụ...

Trong quá trình thực hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã định kỳ thường xuyên rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới; chú trọng thúc đẩy, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Các huyện và thành phố đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với khả năng và tình hình thực tế của địa phương. Nhìn chung các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã phát huy được vai trò đòn bẩy kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao thu nhập và không ngừng cải thiện đời sống của nông dân [78].

Một phần của tài liệu Luận án Hà Tiến Thăng (Trang 80 - 81)