Nhật Bản là nước đầu tiên thực hiện công nghiệp hoá ở châu Á, bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX và được đẩy mạnh trong nửa đầu của thế kỷ XX. Nhật Bản tiến hành CNH, HĐH từ một nền nông nghiệp cổ truyền, tự túc, tự cấp, sản xuất manh mún với những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ (bình quân 0,5ha) và nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với một nền nông nghiệp và công nghiệp tiên tiến, kinh tế thành thị và nông thôn phát triển. Đến năm 2017, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong cơ cấu GDP của Nhật Bản chiếm còn khoảng 1,1%, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 2,9% [8].
Để tạo việc làm, thu hút lao động từ nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp, Nhật Bản đẩy mạnh phát triển khu vực công nghiệp, bắt đầu từ phát triển công nghiệp cơ khí để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ ngành cơ khí chế tạo các loại máy nông nghiệp có công suất 4 - 10 sức ngựa, Nhật Bản phát triển mở rộng thêm các ngành công nghiệp cơ khí khác, nổi bật là công nghiệp phục vụ sản xuất ô tô, máy kéo thu hút nhiều lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Mô hình tổ chức phát triển các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn của Nhật Bản rất đáng chú ý. Mô hình được tổ chức theo 3 cấp trong sự gắn kết chặt chẽ với nhau, bao gồm các nhà máy lớn nằm ở các đô thị và khu công nghiệp, các xí nghiệp vừa và nhỏ được xây dựng phân tán ở các thị trấn thuộc các vùng nông thôn, các cơ sở công nghiệp quy mô hộ gia đình, tổ sản xuất ở nông thôn ký hợp đồng với các xí nghiệp cấp 1 và 2 đẻ gia công một số chi tiết máy đơn giản, yêu cầu về kỹ thuật không cao. Thông qua mô hình này, Nhật Bản đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn trong những thập kỷ 1950, 1960.