Đối với Ủy ban nhân dân xã

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 96 - 98)

- Tổ chức công đoàn xã:

3.2.3.2. Đối với Ủy ban nhân dân xã

Về tổ chức:

Bổ sung số lượng thành viên của Ủy ban nhân dân xã cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Đối với những xã vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những xã có địa bàn rộng, nhiều thành phần dân tộc chung sống cần tăng thêm 01 phó chủ tịch xã so với quy định chung hiện nay.

Về nội dung, phương thức hoạt động:

UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở xã, là nơi thực hiện chức năng hành pháp ở xã, chịu trách nhiệm chấp hành hiến pháp, pháp luật, các văn bản của Nhà nước cấp trên. Với tư cách đó, UBND xã thực hiện quản lý nhà nước một cách toàn diện: kế hoạch kinh tế, ngân sách, tài chính, văn hóa, xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng, địa giới hành chính trên địa bàn xã và tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp mình. Vì thế, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, phân công rành mạch chức năng, quyền hạn của Chủ tịch UBND, quan hệ giữa Chủ tịch UBND với Chủ tịch HĐND và Bí thư Đảng ủy xã. Cũng như việc phân công rành mạch giữa Chủ tịch và Phó Chủ tịch và các thành viên trong UBND. Thu gọn số thành viên, không nên để cán bộ kiêm nhiệm quá nhiều chức danh và chuyên môn hóa các chức danh UBND theo quy định của Chính phủ. Tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc mẫu mực của UBND xã.

Hai là, thành lập ban chỉ đạo, tiến hành xây dựng đề án ban hành các quy định về quy trình, thủ tục, giải quyết công việc hành chính; đồng thời, mở rộng hội nghị quán triệt trong cán bộ, đảng viên; tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về cơ chế một cửa. Đây là vấn đề được nhân dân quan tâm như: xác nhận hồ sơ địa chính, nhà đất; tư pháp, hộ tịch, chứng thực các loại giấy tờ trong phạm vi được phân cấp.

Ba là, cần phát huy hiệu lực quản lý và điều hành của cơ quan nhà nước cấp xã là việc làm mang tính cấp bách. Đồng thời, kiểm tra cán bộ, đảng viên trong bộ máy chính quyền thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm; lựa chọn đảng viên có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, bố trí các chức vụ chủ chốt trong các ban chuyên môn. Tuy nhiên, cần tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền, thể hiện mối liên minh đặc biệt giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng.

Là cấp cuối cùng của Nhà nước, cấp xã thực hiện chức năng là đơn vị quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Việc áp dụng cơ chế "một cửa" trong việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu chính đáng của nhân dân là vô cùng cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tránh tình trạng hách dịch cửa quyền ở cơ quan hành chính nhà nước. Triển khai thực hiện cơ chế hành chính "một cửa" ở chính quyền cấp xã nhằm tạo thuận tiện, giảm phiền hà và giải quyết nhanh chóng công việc hành chính theo yêu cầu của nhân dân.

Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả cơ chế "một cửa" ở cấp xã tỉnh Lào Cai hiện nay cần tập trung thực hiện một số việc sau:

- Tạo cơ chế làm việc nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức và cá nhân,

- Cần củng cố, phát huy mô hình một cửa ở xã trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thực tế.

- Thực hiện đồng bộ quy trình phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện cơ chế "một cửa" ở cấp xã.

- Tiếp tục củng cố đội ngũ cán bộ, trang bị cơ sở vật chất thực hiện tốt cơ chế một cửa ở cấp xã.

Đảng ủy, HĐND và UBND phải phối hợp tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức của xã thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, xem đây là khâu đột phá trong việc cải cách hành chính trong toàn Đảng bộ. Qua đó, giúp cho toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức của xã thấy được vai trò trách nhiệm của mình, tích cực hành động góp phần thắng lợi nhiệm vụ chính trị của xã.

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 96 - 98)