Tổ chức và hoạt động của Đảng bộ xã

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 39 - 45)

a. Về tổ chức, bộ máy của Đảng bộ xã

Số lượng đảng viên: Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 638 tổ chức cơ sở đảng, với 29992 đảng viên. Toàn tỉnh có 164 tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn với 18644 đảng viên. Trong đó, 144 xã với 1509 chi bộ trực thuộc, có 13999 đảng viên.

Đa số đảng viên ở các đảng bộ xã có tuổi đời trẻ (bình quân là 29,34), hăng hái trong lao động sản xuất và nhiệt tình trong công tác, tuổi đời đảng viên mới kết nạp ngày càng trẻ. Tuổi bình quân năm 2009 là 29,46, năm 2010 là 29,34. Đây là điều kiện thuận lợi để đảng viên ở đảng bộ xã đi đầu trong tiếp nhận tiến bộ khoa học, kỹ thuật và hướng dẫn nông dân áp dụng vào phát triển sản xuất. Lứa tuổi này cũng là đỉnh cao của thể lực và trí tuệ cống hiến tốt nhất, là điều kiện thuận lợi đẩy mạnh nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, trình độ học vấn của đảng viên ở đảng bộ các xã thấp so với trình độ học vấn của đảng viên ở các loại hình tổ chức cơ sở đảng khác, trình độ, năng lực của đội ngũ đảng viên xã còn hụt hẫng so với nhu cầu phát triển của xã hội; một số bộ phận đảng viên, đặt biệt là đảng viên là người dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn.

Chất lượng đảng viên: Đảng bộ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai đã trải qua hơn 60 năm lịch sử, được tôi luyện trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trên một vùng đất có vị trí địa - chính trị quan trọng, nên các thế hệ đảng viên nhanh chóng trưởng thành về ý thức chính trị, luôn vững vàng, kiên định trước mọi khó khăn thử thách; giữ vững được phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trung thực, giản dị, gắn bó mật thiết với nhân dân; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo kết quả đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng năm 2010, trong tổng số 144 đảng bộ xã vùng dân tộc thiểu số Lào Cai có 88 đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh (18 đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu), 50 đảng bộ xã đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ và 6 đảng bộ xã hoàn thành nhiệm vụ.

Trong 1507/1509 chi bộ trực thuộc các đảng bộ xã được đánh giá năm 2010, có 1057 chi bộ trong sạch vững mạnh; 387 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; 63 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ. Đánh giá 13267/13999 đảng viên trong 144 đảng bộ xã cho thấy: đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 2062 đảng viên (chiếm 15,78%); đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 9410 (chiếm 74,56%); đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ là 1739 (chiếm 9,40%); đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ là 56 (chiếm 0,35%) [Phụ lục 1, phụ lục 2].

Tổng số ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ cấp xã là 2112 người, trong đó có 1987 đảng viên, 344 phụ nữ, 1270 người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 60%). 100 % ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ cấp xã có trình độ giáo dục phổ thông (tiểu học: 158/2112, chiếm 7,5 %; trung học cơ sở: 840/2112, chiếm 39,8%; trung học phổ thông: 1114/2112, chiếm 52,7%); có 908 người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật (công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ: 25 người; trung học chuyên nghiệp: 675 người; cao đẳng: 67 người; đại học: 141 người). Về trình độ lý luận chính trị: có 357/2112 cán bộ có trình độ sơ cấp trở lên, chiếm 16,9 %. 61/2112 người (2,9 %) có trình độ quản lý (quản lý kinh tế: 22 người; quản lý nhà nước, pháp luật: 39 người) [Phụ lục 3].

+ Về bộ máy:

1) Ban Thường vụ gồm có 03 người, trong đó: 01 Bí thư lãnh đạo chung (phụ trách công tác Đảng, công tác tổ chức và cán bộ), 01 Phó Bí thư thường trực (phụ trách dân vận, đoàn thể), 01 Phó Bí thư phụ trách chính quyền (thường là Chủ tịch UBND xã).

2) Ban Kiểm tra gồm có 03 người, trong đó: 01 Chủ nhiệm, 01 Phó Chủ nhiệm và 01 ủy viên. Ban Kiểm tra là cơ quan kiểm tra chuyên trách của đảng bộ xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng, như: tham mưu giúp Đảng ủy xã, Ban Thường vụ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Đảng.

3) Ban Dân vận có chức năng tham mưu giúp Đảng ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của cấp ủy cấp trên và Đảng ủy về công tác dân vận, bao gồm công tác tôn giáo, dân tộc.

Những người còn lại thì Ban Chấp hành Đảng bộ xã phân công phụ trách HĐND, UBND, công an, quân sự…

Các chi bộ là đơn vị tổ chức của Đảng bộ trực tiếp gắn bó với nhân dân, có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, đồng thời tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng kịp thời phản ánh lên cấp trên, từ đó có những cách thức phù hợp hơn để triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đạt hiệu quả cao.

b. Về hoạt động của Đảng bộ xã

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, Đảng bộ xã đề ra các nghị quyết chuyên đề kinh tế - xã hội, lãnh đạo đảng viên, quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bàn và ra nghị quyết sát hợp lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo diện mạo nông thôn, đô thị vùng cao có nhiều khởi sắc.

Lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội: Cấp ủy đảng của các xã đã nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí hạt nhân lãnh đạo chính trị tại cơ sở; năng lực lãnh đạo, điều hành được nâng lên. Chính quyền các xã, thị trấn có nhiều đổi mới trong hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực. Những năm gần đây, thực hiện cải cách hành chính và triển khai cơ chế “một cửa”, chính quyền xã đã gần dân hơn, giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, thực hiện đầy đủ các chính sách xã hội. Mặt trận, các đoàn thể xã, thị trấn có nhiều đổi mới trong hoạt động; tập hợp ngày càng nhiều đoàn viên, hội viên, làm tốt công tác vận động, thu hút đông đảo quần chúng tham gia xây dựng Đảng và chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây

dựng nông thôn mới, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn: Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm qua đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tác động tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hoá - xã hội ở các xã; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cấp xã ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Các cấp uỷ Đảng đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát của dân để xây dựng Đảng. Chính quyền ở cơ sở đã làm việc theo hướng ngày càng khoa học và hiệu quả. Phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được chuyên nghiệp và chuyển biến rõ về thái độ, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước đã được thực hiện bước đầu có hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc phục vụ nhân dân của các cơ quan nhà nước các cấp. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được đổi mới về tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trách nhiệm với dân, hạn chế một bước tình trạng phô trương, hình thức, hành chính hoá.

Đối với người dân, trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ, do được cung cấp thông tin đầy đủ hơn, kịp thời hơn nên họ đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, làm giảm bớt tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Lãnh đạo công tác tư tưởng: Đa số Đảng bộ các xã đều nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác tư tưởng. Vì vậy, nhiều Đảng bộ xã đã củng cố kiện toàn Ban Tuyên giáo của Đảng ủy, phân công đồng chí trong cấp ủy chuyên phụ trách công tác tuyên giáo, trưởng ban là một đồng chí trong Ban Thường vụ; tổ chức quán triệt kịp thời, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp và của Đảng bộ cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Ngoài hình thức tuyên truyền miệng thông qua cán bộ tuyên truyền, trưởng các thôn, bản, làng, qua trao đổi với những người xung quanh, nghe cán bộ văn hóa - thông tin lưu động… như trước đây, hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua hệ thống mạng lưới truyền thanh từ xã xuống các thôn làng. Nhờ đó, đã làm thay đổi một cách cơ bản nhận thức trong phần lớn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, phát huy được truyền thống yêu nước, xây dựng tinh thần làm chủ, đoàn kết gắn bó, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; làm cho đồng bào hiểu và chấp hành đúng đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương, không mơ hồ mất cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; nâng cao đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh chống lại tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chống tư tưởng cục bộ bè phái, gia trưởng, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác.

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên đã rất sáng tạo khi biết tranh thủ uy tín của các cán bộ hưu trí, người cao tuổi trong công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng.

Lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ: Đảng bộ các xã thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn về mặt tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng từ xã đến thôn; lãnh đạo công tác bầu cử HĐND xã theo quy định pháp luật; đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND xã theo

hướng cải cách hành chính; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Ban Thường vụ Đảng ủy các xã cũng đã xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã (nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số), kể cả bí thư chi bộ và trưởng thôn cũng được gửi đi đào tạo tại trường chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện hoặc mở một số chuyên đề tại xã. Đảng bộ xã vùng cao A Mú Sung (huyện Bát Xát) đã cử trên 10 cán bộ đi học văn hoá và chuyên môn; Đảng bộ xã Ý Tý (huyện Bát Xát) có tới 14/19 chức danh đạt trình độ trung cấp, đã kết nạp 3 đảng viên trẻ là nữ người Hà Nhì. Với Đảng bộ Sa Pa, thì bố trí, sắp xếp lại cán bộ chủ chốt 12 xã, thị trấn, cử hơn hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục, chuyên môn, lý luận chính trị... Thông qua đó, đa số cán bộ các xã có trình độ trung cấp chuyên môn, nhiều xã có cán bộ có trình độ đại học.

Công tác kết nạp Đảng được coi trọng, phương hướng kết nạp đảng viên mới được các cấp ủy đảng xác định tập trung vào tuổi trẻ, cán bộ khoa học - kỹ thuật, giáo viên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở những thôn, bản vùng cao có ít hoặc chưa có đảng viên, từng bước giảm địa bàn, thôn, bản chưa có đảng viên và TCCS đảng. Do đó, đã giảm được 16/32 thôn, bản, 15/19 trường học, 5/6 trạm y tế chưa có đảng viên.

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 39 - 45)