Đặc điểm kinh tế

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 34 - 35)

Kinh tế của cư dân các xã Lào Cai là kinh tế nương rẫy, sản xuất một vụ là chủ yếu. Phương thức canh tác là đốt rừng làm nương dẫn đến tình trạng diện tích rừng bị cạn kiệt nhanh chóng. Một số tộc người như Dao, Phù Lá, La Ha, Khơ Mú… du canh theo đường tròn. Nhưng đồng bào H’Mông lại du canh treo đường thẳng. Du canh, du cư làm biến động cộng đồng dân cư, khó quản lý dân số, đất đai và lao động.

Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai vẫn còn mang nặng tính chất tự cung tự cấp. Nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm. Sản phẩm của các ngành này chỉ đủ phục vụ tiêu dùng trong sinh hoạt, chưa trở thành hàng hóa. Sản xuất hàng hóa tuy đã bước đầu xuất hiện ở các xã vùng thấp do sự tác động của kinh tế thị trường đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, song chưa thật mạnh mẽ. Còn lại hầu hết các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn là môi trường khép kín, biệt lập.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã chú trọng phát triển kinh tế theo hướng có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt lợi thế của địa phương trên cơ sở bảo đảm tính bền vững của sự phát triển. Xuất phát từ thực trạng Lào Cai, với 70% - 80% là nông dân, nông thôn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng bộ Lào Cai đã tập trung nghiên cứu chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; đầu tư để tạo bước chuyển mạnh mẽ từ kinh tế tự túc, tực cấp sang sản xuất hàng hóa.

Đến nay, sản xuất nông nghiệp vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt trên 1000 tỷ đồng/ năm. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác tăng từ 8 triệu đồng (năm 2000) lên 14 triệu đồng (năm 2005). Công tác quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa được quan tâm triển khai thực hiện, đã và đang hình

thành các vùng thâm canh lúa, ngô, đậu tương, rau, quả hàng hóa. Trên 80% diện tích được cấy bằng giống lúa mới có năng suất cao. Nhiều giống cây, con có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như giống hoa cao cấp, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu…

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là chăn nuôi đại gia súc, bình quân hàng năm đàn trâu tăng 4,5 %, đàn bò tăng 5,3%, đàn lợn tăng 6,5 %, gia cầm tăng 5,5,%. Công tác tuyển chọn những con giống có năng suất, chất lượng cao được chú trọng như sin hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, phục tráng con giống địa phương có tính vượt trội như đàn bò vàng ở huyện Si Ma Cai, trâu ở huyện Bảo Yên…

Những năm gần đây, diện mạo nông thôn Lào Cai có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh được cải thiện đáng kể; thu nhập hộ gia đình tăng 2,2 lần. Hoạt động dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn có bước phát triển, một số nghề truyền thống được khôi phục. Bước đầu thực hiện cơ giới hóa trong một số khâu sản xuất và bảo quản sau thu hoạch.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nêu trên cũng tác động mạnh mẽ đến hệ thống chính trị các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai. Điều này đòi hỏi hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các xã phải giỏi về quản lý kinh tế, quản lý tài nguyên rừng, nguồn đất… Việc quản lý theo mô hình kinh tế nương rẫy truyền thống đã khó, nay chuyển dịch sang kinh tế hàng hóa lại càng khó khăn hơn rất nhiều.

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 34 - 35)