Là nơi tuyến đầu của Tổ quốc, Lào Cai là một trong những tỉnh có vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Vị trí chiến lược đó cũng đã tạo điều kiện để Lào Cai trở thành đầu mối thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói riêng và quốc tế nói chung. Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế, song với chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn cùng với sự năng động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (5 năm 2005 - 2010) là 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2010 tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP chiếm 27,9%; công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 34,2%. Sản xuất lương thực liên tục được mùa, năm 2010 tổng sản lượng lương thực đạt 220.000 tấn. Với lợi thế về cửa khẩu, lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ được khai thác có hiệu quả đã và đang tạo bước phát triển mạnh mẽ cho Lào Cai. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ đói nghèo hàng năm giảm 5%, đời sống nhân dân được cải thiện một cách rõ rệt, bộ mặt nông thôn, vùng cao ngày càng đổi mới. Quốc phòng an ninh được tăng cường, hoạt động đối ngoại thu được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể có nhiều tiến bộ, hệ thống chính trị các cấp được củng cố và tăng cường, trở thành nền tảng vững chắc cho tỉnh phát triển trong giai đoạn mới [3, tr 21].
Được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất đai và khí hậu với nền nhiệt tương đối thấp tạo thuận lợi cho tỉnh đẩy mạnh phát triển các loại cây ôn đới, cá biệt có những vùng nhiệt độ quanh năm không lên quá 20oC như Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai tạo lợi thế để những vùng này phát triển các loại đặc sản xứ lạnh mà các vùng khác không có được như: rau, hoa, quả, thảo dược, cá hồi, cá tầm nước lạnh,… Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú với trên 150 mỏ và điểm mỏ, trong đó có những loại khoáng sản quý với trữ lượng lớn, là cơ sở để Lào Cai phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản - một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, du lịch - ngành công nghiệp không khói, chính là điểm nhấn khi nhắc đến Lào Cai. Nằm ở độ cao lý tưởng, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh sơn thủy hữu tình với rừng cây, núi đá, thác nước với nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên và các vùng sinh thái nông nghiệp đặc sản như: mận Bắc Hà,
rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi (Phần Lan), cá tầm (Nga),… và là nơi hội tụ của nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa,… Thị trấn Sa Pa là một trong 21 trọng điểm du lịch của Việt Nam nói chung, trọng điểm du lịch quan trọng của tỉnh Lào Cai nói riêng. Ngoài ra, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Hà Khẩu) cũng là một điểm du lịch thú vị cho mỗi du khách khi đến với Lào Cai. Đặc biệt, là tỉnh miền núi cao, đang phát triển nên Lào Cai còn giữ được cảnh quan môi trường da dạng và trong sạch, đây sẽ là một cơ sở để tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là: - Kết cấu hạ tầng kinh tế vẫn còn thiếu đồng bộ, nhất là khu vực nông thôn, vùng cao, vùng xa.
- Do tác động suy thoái kinh tế, nên nhiều công trình, dự án đầu tư khó khăn, chững lại, đặc biệt là các công trình thủy điện, các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, công nghiệp.
- Hệ thống trường lớp học, nhà ở giáo viên và học sinh bán trú, trạm y tế xã, trụ sở cơ quan hành chính cấp xã còn nhiều khó khăn.
- Mạng lưới y tế cơ sở, nhất là thôn bản còn khó khăn, thiếu những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y tế.
- Lào Cai hiện còn 03 huyện và 95 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nguồn lao động tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, thiếu đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.