Tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp xã

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 49 - 56)

nhân dân cấp xã

Về tổ chức: MTTQ cấp xã có Ban Thường trực với 01 Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch. Tất cả các thôn, bản đều có Ban Công tác mặt trận do trưởng thôn làm trưởng ban. Số lượng ủy viên từ 10 - 20 người, Ban Thường trực gồm Chủ tịch không chuyên trách và các ủy viên không chuyên trách.

Về hoạt động: Chức năng của MTTQ là dân vận và giám sát các hoạt động của chính quyền. Hoạt động chủ yếu thể hiện qua các phong trào: toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư; hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; phụ nữ tích cực học tập, lao động sản xuất, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình văn hóa, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình; thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước; đền ơn đáp nghĩa; quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, vệ sinh môi trường, phòng chống các loại tệ nạn xã hội; hội viên gương mẫu, gia đình hội viên tiên tiến. Từ các phong trào, MTTQ thực hiện chức năng của mình. Cụ thể là:

- Tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

- Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. MTTQ đóng vai trò chủ đạo trong việc vận động và tập hợp các dân tộc đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Vận động nhân dân tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách văn hóa - xã hội như: xóa mù chữ, phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông, toàn dân đưa trẻ đến trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống dịch bệnh; các hoạt động từ thiện...

- Vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, là các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

- Vận động nhân dân thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên tham gia huấn luyện quân sự, thực hiện chính sách hậu phương quân đội...

- Tham gia xây dựng chính quyền. Tổ chức hiệp thương bầu đại biểu HĐND xã; cùng với UBND tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp trên địa bàn xã, tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, tham gia giám sát hoạt động của chính quyền.

- Phát huy vai trò của những người cao tuổi, cán bộ hưu trí có uy tín; trí thức, chức sắc tôn giáo, trưởng tộc họ... trong việc xây dựng các hình thức cộng đồng dân cư tự quản, xây dựng quy ước sao cho vừa tuân thủ pháp luật, vừa thể hiện tính dân chủ, vừa tôn trọng phong tục tập quán và tín ngưỡng tôn giáo của mỗi dân tộc ở cộng đồng dân cư.

b. Đoàn Thanh niên xã

Về tổ chức: Tất cả 144 xã đều có Ban Thường vụ là 3 người, các thôn, bản điều có chi đoàn, nhưng tỷ lệ tập hợp thanh niên còn thấp.

Về hoạt động: Nhìn chung các xã duy trì đều đặn chế độ sinh hoạt, hội họp theo đúng quy định Điều lệ đoàn, mỗi tháng họp một lần. Bí thư và Phó Bí thư phân công trực tại trụ sở và đi xuống sinh hoạt tại các chi đoàn cơ sở.

Căn cứ vào kế hoạch, chương trình công tác của đoàn cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đoàn xã xây dựng kế hoạch, chương trình 06 tháng và 01 năm. Hình thức sinh hoạt chủ yếu là thành lập tổ chức câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thông qua các ngày lễ lớn của đất nước, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, về Đảng, Bác Hồ.

Các phong trào, các cuộc vận động của xã Đoàn chủ yếu là: phong trào thanh niên lập nghiệp; thành lập tổ tín chấp vay vốn giúp đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất; làm giao thông nông thôn, làm thủy lợi, thi đua sản xuất, làm kinh tế giỏi; học để ngày mai lập nghiệp... Phong trào tuổi trẻ giữ nước được thực hiện qua việc phối hợp với ban quân sự nắm bắt tư tưởng, vận động thanh niên đăng ký, khám và tổ chức đưa tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ; huấn luyện dân quân tự vệ.

Hoạt động hỗ trợ và khuyến khích thanh niên thi đua lập nghiệp, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng đã được coi là một trong những mục tiêu chính của đoàn thanh niên các xã. Các loại vốn vay như vốn hộ nghèo, vốn hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, vốn nước sạch và vệ sinh môi trường, vốn giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng dư nợ 89 tỷ 865 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 11.967 đoàn viên thanh niên. Từ chỗ đói nghèo, nhiều hộ gia đình đoàn viên thanh niên đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, đã có trên 200 trang trại trẻ sản xuất nông lâm kết hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Tiêu biểu như hộ gia đình các anh Bùi Văn Sáu (xã Bản Vược – huyện Bát Xát), La Trung Đồng (xã Dương Quỳ - huyện Văn Bàn), thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ năm.

c. Hội phụ nữ xã

Về tổ chức: Tất cả các thôn, bản trong xã đều có chi Hội Phụ nữ; tổ chức chi hội gồm có chi hội trưởng và chi hội phó. Các chi hội tập hợp hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt nhiều hơn các đoàn thể khác.

Về hoạt động: Hội Phụ nữ xã đã duy trì chế độ sinh hoạt, họp hội thường xuyên; Ban Thường vụ họp một tháng một lần, Chủ tịch và Phó Chủ tịch thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần, trực tại trụ sở và đi xuống thôn, bản; thực hiện sơ kết và tổng kết cuối năm. Hàng năm Hội Phụ nữ xã cũng phối hợp với các đoàn thể triển khai các cuộc vận động, phong trào hưởng ứng chương

trình hành động từ Hội Phụ nữ cấp trên và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Chương trình tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho hội viên; chương trình vận động phụ nữ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm tăng thu nhập; chương trình chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; xây dựng chi hội vững mạnh...

Hiện nay, ở Lào Cai, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ chiếm 33,3% trong Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tăng gấp hai lần so với nhiệm kỳ trước; số đại biểu nữ HÐND các cấp ở địa phương chiếm từ 22 đến 28%. Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ba cấp trung bình đạt tỷ lệ 16,3%. Tỉnh đã quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ; thường xuyên giới thiệu cán bộ nữ, nhất là người dân tộc thiểu số, có trình độ, năng lực để các cấp, các ngành đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tỷ lệ nữ được bồi dưỡng, kết nạp Ðảng tăng nhiều so với trước, chiếm 40% trong tổng số đảng viên mới kết nạp, nâng tỷ lệ đảng viên nữ trong toàn tỉnh lên 28,7%. Tỷ lệ cán bộ, CNVC nữ trong tỉnh tương đương với nam giới. Chất lượng đội ngũ cán bộ nữ cũng được nâng lên thông qua việc bố trí học tập, đào tạo, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, bảo đảm “vừa hồng, vừa chuyên”. Vì vậy, chị em đã tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương có hiệu quả, được nhân dân tín nhiệm [55, tr.9].

d. Hội Nông dân xã

Về tổ chức: Tất cả các thôn, bản trong xã đều có chi hội; tổ chức chi hội gồm chi hội trưởng và chi hội phó. Số lượng hội viên tham gia rất đông trên 90%, vì phần lớn các xã trong tỉnh Lào Cai hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm trên 80%.

Về hoạt động: Tất cả các Hội Nông dân xã hoạt động rất có hiệu quả trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nông dân với nhiệm vụ cụ thể là: Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ của hội. Công tác tuyên truyền ở cơ sở làm nhiệm vụ phổ biến, giải thích cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn; về các chủ trương công tác của Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhiệm vụ của hội để hội viên, nông dân hiểu đúng và tự giác thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, công tác tuyên truyền phổ biến, đã giải thích để nông dân hiểu rõ về tổ chức hội, để họ tự nguyện xin vào hội, tự giác tham gia sinh hoạt và thực hiện các chương trình công tác của hội.

Công tác tuyên truyền của hội đã gắn với việc phổ biến các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của xã, của hội các cấp; phát động phong trào nông dân thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; vận động hội viên, nông dân định canh, định cư, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; bảo vệ môi trường sinh thái như trồng rừng, giữ gìn vệ sinh chung…; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng trường học, trạm xá, điện, đường giao thông…

Tuỳ theo điều kiện của mỗi vùng, miền, mỗi địa phương mà cán bộ hội tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tiếp thu tri thức mới về công nghệ sinh học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, về công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sao cho phù hợp, có hiệu quả. Hiện nay, hội nông dân các xã đang tập trung tham gia tích cực vào việc xoá mù chữ và chống tái mù chữ cho hội viên, nông dân. Đồng thời, nhiều Hội đã chủ động phối hợp với các trường phổ thông ở địa phương tổ chức các lớp bổ túc văn hoá, nhất là tích

cực vận động hội viên, nông dân cho con em đến trường, không được để trẻ em thất học, mù chữ.

đ. Hội Cựu chiến binh xã

Về tổ chức: Hội Cựu chiến binh được hình thành ở tất cả các địa bàn thôn, bản. Tỷ lệ tập hợp cựu chiến binh tham gia sinh hoạt cao nhất so với các thành viên khác trong MTTQ.

Về hoạt động: Ban Thường vụ họp mỗi tháng một lần; Chủ tịch và Phó Chủ tịch phân công nhau trực 3 ngày/tuần tại trụ sở. Thời gian còn lại xuống sinh hoạt tại các chi hội; các chi hội sinh hoạt một tháng một lần, những nơi khó khăn sinh hoạt thường từ một tháng đến ba tháng một lần.

Hội Cựu chiến binh các xã rất chú trọng đến công tác giáo dục, tuyên truyền cho hội viên về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững và phát huy bản chất "Bộ đội cụ Hồ"; giúp nhau phát triển sản xuất, tham gia tích cực và gương mẫu trong các phong trào ở địa phương: Hội Cựu chiến binh gương mẫu, hội trong sạch vững mạnh, gia đình hội viên văn hóa, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

e. Tổ chức công đoàn xã

Về tổ chức: Công đoàn xã, phường, thị trấn là một mô hình mới được ra đời năm 2005, sau khi có Nghị định 121/NĐ/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và Quyết định 974/ QĐ-TLĐ ngày 29/6/2004 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ban hành quy định về tổ chức và hoạt động công đoàn xã, phường, thị trấn.

Trong 5 năm, từ năm 2005 – 2010, 144 xã tỉnh Lào Cai đã thành lập tổ chức công đoàn và đi vào hoạt động.

Về hoạt động: Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và công đoàn cấp trên, sự phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện của UBND và các tổ chức chính trị xã hội, các công đoàn cơ sở xã từng bước đi vào hoạt động khá nề nếp.

Hoạt động công đoàn luôn bám sát vào nghị quyết Công đoàn cơ sở; nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, như: Tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương tới cán bộ công chức và người lao động; giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức lao động nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cán bộ công chức, người lao động thường xuyên trau dồi rèn luyện đạo đức, lối sống, đổi mới tác phong lề lối làm việc theo hướng gần dân, hiểu dân và vì dân. Hàng năm, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền tổ chức tốt hội nghị cán bộ công chức, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công chức, người lao động; tham gia kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách như: Việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ốm đau, thai sản, chế độ nghỉ phép...; tổ chức thăm hỏi đoàn viên khi ốm đau, có việc hiếu, hỉ.

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 49 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w