a. Tổ chức và hoạt động của HĐND xã
Điều 1, Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên” [48, tr.4]. HĐND cấp xã thay mặt nhân dân trong xã quyết định những vấn đề quan trọng như: phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách; các biện pháp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; quyết định các vấn đề xây
dựng chính quyền địa phương. Các nghị quyết của HĐND là sự cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở phát huy dân chủ và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Về tổ chức:
Với cơ cấu tổ chức được quy định tại Điều 5 và Điều 52, Luật tổ chức HĐND và UBND, thì “Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã gồm có Chủ tịch và 01 phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân”. Nhưng HĐND được chia theo các tổ đại biểu khu vực địa bàn dân cư (thôn, bản) với các ban lãnh đạo tổ gồm: 01 tổ trưởng, 01 tổ phó và 01 thư ký.
Theo kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp xã tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2011 - 2016, các xã, thị trấn (152 xã, thị trấn) đã bầu được 3777 số đại biểu HĐND xã trong 5925 người ứng cử. Cơ cấu, chất lượng đại biểu HĐND cấp xã được bầu cụ thể như sau:
- Về độ tuổi: Dưới 35 là 1723 người (chiếm 54,75%); từ 35 đến 50 tuổi 1625 người (chiếm 43,15%); trên 50 tuổi 411 người (chiếm 10,91%). Trong đó, nữ có 809 người (chiếm 21,48%); tái cử là 1454 người (chiếm 38,61%).
- Về dân tộc và tôn giáo: Dân tộc là 2810 người (chiếm 74,61%); Tôn giáo là 28 người (chiếm 0,74%).
- Trình độ văn hóa, chuyên môn và chính trị: 1) Văn hóa: Tiểu học 420 người (chiếm 11,15%); THCS là 1800 người (chiếm 47,80%); THPT là 1523 người (chiếm 40,44%). 2) Chuyên môn: sơ cấp 215 người (chiếm 5,71%); trung cấp 797 người (chiếm 21,16%); cao đẳng 79 người (chiếm 2,1%); đại học là 220 người (chiếm 5,84%). 3) Chính trị: sơ cấp 706 người (chiếm 18,75%); trung cấp 530 người (chiếm 14,07%); cao cấp, đại học là 30 người (chiếm 0,8%) [56, tr.11].
Về hoạt động:
Hoạt động kỳ họp của HĐND cấp xã ở tỉnh Lào Cai được thực hiện đúng theo Điều 48, Luật tổ chức HĐND và UBND. Hội đồng nhân dân các cấp họp
thường lệ mỗi năm hai lần, ngoài kỳ họp thường lệ, Hội đồng nhân dân tổ chức các kỳ họp chuyên đề hoặc họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp yêu cầu. Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân chậm nhất là hai mươi ngày, kỳ họp chuyên đề hoặc họp bất thường chậm nhất là mười ngày trước khi khai mạc kỳ họp [48, tr.37].
Chất lượng hoạt động của HĐND các xã trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng kể. Chất lượng của đại biểu HĐND cấp xã được nâng lên một bước. Các kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, đảm bảo đúng chương trình, điều kiện phục vụ tại các kỳ họp; các Nghị quyết ban hành có chất lượng, sát thực tiễn, hợp lòng dân nên được sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. Các cuộc giám sát, khảo sát được xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc được cử tri quan tâm; nhiều ý kiến, kiến nghị sát, trúng đã được xem xét, giải quyết. Hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới. Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức tiếp công dân; đôn đốc, xem xét tình hình giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Hoạt động của HĐND xã đã góp phần tăng hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, hạn chế các tồn tại, khắc phục kịp thời những yếu kém; nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.
Xác định được tầm quan trọng trong hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND xã luôn lắng nghe ý kiến của đông đảo cử tri, nhất là cử tri ở các xã xa xôi, hẻo lánh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá, nhận thức còn hạn chế ... Việc tiếp xúc cử tri diễn ra dân chủ, trao đổi thắng thắn và cởi mở, đúng pháp luật. Hầu hết các ý kiến cử tri đều được tiếp thu, giải trình,
nhiều ý kiến đã được giải quyết; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri được quan tâm.
HĐND các xã đã xây dựng lịch tiếp công dân theo định kỳ, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được HĐND cấp xã coi trọng và xử lý nghiêm túc, hợp lý hợp tình, tạo lòng tin nơi cử tri.
b. Tổ chức và hoạt động của UBND xã
Theo Điều 2 Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định: "Ủy ban nhân dân là do Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên" [48, tr.6].
Về tổ chức:
Theo Điều 122 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Điều 11, 12 Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 2/4/2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên UBND các cấp. Hiện nay UBND các xã tỉnh Lào Cai có 5 thành viên, trong đó có 01 Chủ tịch phụ trách chung, khối nội chính, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở xã; 01 Phó Chủ tịch phụ trách khối kinh tế - tài chính, xây dựng, giao thông, nhà đất và tài nguyên - môi trường; 01 Phó Chủ tịch phụ trách khối văn hóa - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác; 01 ủy viên phụ trách công an; 01 ủy viên phụ trách quân sự.
Các ban chuyên môn của UBND xã được tổ chức là: Ban Kinh tế - Tài chính, Ban Văn hóa - Thông tin, Ban Tư pháp, Ban Công an, Ban Quân sự, Ban Nội chính, Ban Dân số kế hoạch hóa gia đình, Ban Thương binh - Xã hội; số lượng các ban này giữa các xã cũng không giống nhau, nhưng thường có từ 03 đến 04 người trong mỗi ban. Ngoài ra, theo Điều 2, Nghị định 114/2003/NĐ-CP, ngày 10/10/2003, của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn có chức danh chuyên môn như Trưởng công an, chỉ huy trưởng
quân sự, văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội. Tất cả các xã ở tỉnh Lào Cai đều áp dụng đúng theo nghị định của Chính phủ; phát huy tốt vai trò của ban chuyên môn.
Cán bộ hợp đồng với UBND: cán bộ hợp đồng thường là nhân viên tạp vụ, nhân viên văn thư, công an viên, cán bộ chữ thập đỏ, cán bộ kế hoạch hóa gia đình...
Về hoạt động:
UBND họp định kỳ mỗi tháng 01 lần vào một ngày cụ thể trong tháng, họp đột xuất khi cần thiết và họp giao ban hàng tuần vào buổi sáng thứ hai. Chế độ làm việc: Chủ tịch UBND làm việc 40 giờ/tuần, tiếp dân, giải quyết những công việc hàng ngày trong tuần; trực tại cơ quan để điều hành, giải quyết công việc hàng ngày, đôn đốc cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp dân giải quyết những công việc như: ký chứng thực, giải quyết khiếu nại, tố cáo, dự họp, dự hội nghị, xuống địa bàn thôn, bản nắm bắt tình hình, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, trực tiếp giải quyết những khó khăn vướng mắc, hướng dẫn cán bộ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Hoạt động của các ban chuyên môn, các chức danh chuyên môn giúp UBND thực hiện công tác chuyên môn: nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, lưu giữ hồ sơ...
Tình hình thực hiện quy chế dân chủ và cải cách hành chính trong hoạt động của UBND: từ khi triển khai pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, lối làm việc, phong cách làm việc của chính quyền đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, sát dân, sát thực tế, bước đầu khắc phục có hiệu quả tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sách nhiễu dân của cán bộ. Hiện nay, tất cả thôn, bản của các xã đều xây dựng quy chế hoạt động.