Đặc điểm văn hóa tộc ngườ

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 35 - 39)

Tỉnh Lào Cai có 13 dân tộc với 25 nhóm ngành khác nhau, sử dụng 6 nhóm ngôn ngữ trong tổng số 8 nhóm của cả nước. Đồng bào các dân tộc ở Lào Cai cư trú xen kẽ với nhau. Điều này làm cho Lào Cai trở thành tỉnh có sự đa dạng về văn hóa, đa sắc thái trong văn hóa tạo nên sự phong phú của

nhiều loại hình văn hóa dân gian, nhưng mặt khác nó cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Cụ thể:

a. Ảnh hưởng của thiết chế xã hội truyền thống

Các thiết chế trong xã hội truyền thống ở làng, bản, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là thiết chế cộng đồng dòng họ và thiết chế cộng đồng làng bản.

Đối với tộc người H’Mông, Dao, vấn đề cộng đồng dòng họ được đề cao. Những người cùng dòng họ, cùng tổ tiên có trách nhiệm giúp đỡ nhau, coi nhau là anh em, bảo vệ lẫn nhau trong cuộc đua tranh với người ngoài. Bất cứ người H’Mông ở đâu tới, địa vị và hành vi ra sao, nhưng nếu là cùng dòng họ đều được sự che chở, giúp đỡ nhiệt tình của người trong họ. Quan hệ dòng họ ít nhiều chi phối trong bầu cử, trong điều hành công việc của hệ thống chính trị ở các xã.

Trong quan hệ dòng họ, nổi bật là vai trò trưởng họ. Điển hình là ở tộc người H’Mông, trưởng họ được đề cao gọi là gốc họ (hổ pấu). Họ là những người hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín, giỏi lý lẽ và có điều kiện kinh tế khá giả. Trưởng họ trực tiếp quyết định việc di cư, giải quyết những vụ xích mích trong nội bộ dòng họ, hướng dẫn các gia đình thực hiện quy ước dòng họ, thay mặt dòng họ giao thiệp với các dòng họ khác, đồng thời là người tổ chức các vụ kiện… Hiện nay, vai trò của người trưởng họ H’Mông vẫn còn rất lớn, vẫn là người có ý kiến quan trọng đối với các thành viên, là người có nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của hệ thống chính trị ở xã.

Ở vùng người Thái, quan hệ dòng họ chi phối mạnh mẽ hệ thống chức dịch. Mọi chức vụ quan trọng trong một mường từ chủ mường đến các tạo bản đều là thành viên trong một dòng họ quý tộc người Thái. Dòng họ quý tộc này có tính chất đẳng cấp, chỉ họ mới nắm quyền hành trong một mường.

Bóng dáng của già làng được ghi dấu ấn vào bộ máy hành chính cổ truyền ở các mường cũ là hội đồng bô lão. Tùy theo mường mà thành viên của hội đồng này ít nhiều có khác nhau. Nhưng họ phải là những người ngoài dòng họ quý tộc nhằm giám sát các chủ mường. Hiện nay, vai trò các bô lão ở các bản, xã vùng người Thái vẫn còn đậm nét, họ là những người có uy tín với nhân dân. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trước khi triển khai đến dân mà được già làng ủng hộ thì nhân dân sẽ tin theo, đạt hiệu quả cao hơn. Ngược lại, nếu không được già làng ủng hộ thì mọi việc trở lên khó thực hiện.

Các thôn, bản, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai, tuy không phải là đơn vị hành chính, nhưng lại có các thiết chế văn hóa chặt chẽ. Người trong thôn, bản có tính cộng đồng, giúp đỡ nhau trong kinh tế, sản xuất, trong ngày cưới, làm nhà, ma chay… Trong làng, bản mỗi cá nhân như chìm trong cộng đồng; lợi ích cá nhân, đặc biệt là lợi ích kinh tế không được đề cao mà hòa vào lợi ích cộng đồng, ẩn sâu vào lợi ích cộng đồng qua quan hệ “cái tôi” đứng sau “cái ta”. Tâm lý này đã góp phần hạn chế tính quyết đoán của cán bộ lãnh đạo chính quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân cũng bị hạn chế, thậm chí bị triệt tiêu. Đặc điểm này còn làm cho tính cục bộ của làng, bản được đề cao. Mỗi bản, làng sống theo quy ước riêng, tôn trọng quy ước, nếp sống của bản, làng. Vì vậy, vai trò điều hành của HTCT cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn.

b. Đặc trưng cư trú xen kẽ tộc người

Trên địa bàn một xã của tỉnh Lào Cai có ít nhất là 2 dân tộc, một số xã đan xen từ 3 đến 5 dân tộc cùng sinh sống. Cư trú đan xen thường dẫn đến hai khuynh hướng đối lập nhau: khuynh hướng đoàn kết, đùm bọc, che chở và khuynh hướng hiềm khích, xích mích, xung đột, trong đó khuynh hướng đoàn kết đùm bọc các dân tộc là khuynh hướng truyền thống.

Tuy nhiên, do có nhiều điểm khác nhau về ngôn ngữ, về phong tục tập quán, tâm lý tộc người… nên khuynh hướng hiềm khích, xích mích dân tộc luôn có nguy cơ bùng nổ. Đặc biệt, với sức ép về tăng dân số, tỷ lệ đất canh tác giảm, thì mầng mống mất đoàn kết dân tộc luôn tồn tại, tiềm tàng.

Nếu đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở xã có tư tưởng cục bộ, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp theo lợi ích của dân tộc mình, dòng họ mình, thì tình trạng xích mích dân tộc dễ xảy ra, thậm chí có khi trở thành vấn đề lớn, đe dọa an ninh quốc gia.

c. Trình độ dân trí thấp

Do những yếu tố khách quan và chủ quan, nên mặt bằng dân trí của đồng bào vùng cao Lào Cai còn thấp. Nền kinh tế tự cấp, tự túc, sản xuất theo tập quán, mang nặng yếu tố kinh nghiệm. Kinh tế nương rẫy biến hộ gia đình thành đơn vị khép kín, trẻ em cũng được phân công công việc, thậm chí còn phải lao động nặng nhọc, nên còn khá nhiều trẻ em không được đến trường, công tác phổ cập giáo dục tiểu học còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục song số người không biết chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ cao, tình trạng tái mù vẫn diễn ra, tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi còn thấp... Những yếu tố trên ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, đến công tác xây dựng chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở các xã, đồng thời cũng ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ xã và cũng là yêu cầu đặt ra cho từng cán bộ phải trực tiếp giải quyết.

d. Quản lý xã hội bằng pháp luật và luật tục

Ở một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai hiện nay, hai hình thức quản lý xã hội là luật tục và pháp luật đang tồn tại song trùng, đan xen với nhau. Quản lý xã hội bằng luật tục nảy sinh từ xã hội chưa có giai cấp, nhưng hiện nay khi một số đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa của Lào Cai vẫn chủ yếu sống dựa trên cơ sở kinh tế tự cung, tự cấp,

tính cộng đồng sâu đậm thì những luật tục vẫn tồn tại chi phối các quan hệ xã hội.

Ở các làng, mỗi cá nhân đều có bổn phận phải tuân thủ những nghĩa vụ và quyền lợi mà luật tục đã quy định. Luật tục đã tạo ra sự cưỡng chế của cả cộng đồng với cá nhân thông qua dư luận. Dư luận góp phần quản lý từng con người cụ thể, ràng buộc mọi thành viên vào cơ chế vận hành của bản, làng. Mỗi cá nhân không chỉ chịu sự giám sát của gia đình, dòng họ mà còn chịu sự kiểm tra đánh giá của cả cộng đồng thông qua dư luận. Nhờ tác động của dư luận mà mỗi người dân tự điều chỉnh hành vi tuân theo luật tục của làng, bản.

Một mặt, những dư luận làng, bản có nhiều tác động tiêu cực đối với các thành viên, buộc các cá nhân phải phục tùng luật tục tiêu cực, như quan niệm phải dựng vợ, gả chồng sớm; cưới xin chỉ cần hai họ đồng ý, không cần đăng ký kết hôn; tư tưởng trọng nam khinh nữ…

Bên cạnh đó, luật tục cũng có những tác dụng tích cực nếu đấy là các nguyên tắc đạo đức, các quan niệm tín ngưỡng truyền thống lâu đời còn mang những giá trị phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì hiệu lực của luật tục được toàn thể đồng bào tôn trọng và tuân theo, tác dụng xử lý của luật tục cũng nhanh gọn.

Vì vậy, bên cạnh vấn đề quản lý xã hội bằng pháp luật, hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn phải nắm rõ luật tục của các tộc người sinh sống trên địa bàn, sử dụng luật tục, hoặc luật tục hóa pháp luật để quản lý xã hội một cách thích hợp.

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w