Quản trị khoa học (scientific management)

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 39 - 41)

Fedrerick Winslow Taylor

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, các tổ chức gặp phải rất nhiều khó khăn và dường như họ không có cách nào để tăng năng suất công nhân mặc dù họ đầu tư rất nhiều công nghệ mới vào sản xuất. Fedrerick W. Taylor (1856 - 1915) đã tin rằng công nghệ có thể thay đổi được tình huống này. Sinh ra trong một gia đình luật sư ở Philadelphia, Taylor đã học những kiến thức kinh doanh từ những người lao động và những kỹ sư ở một cửa hàng máy móc nhỏ ở Philadelphia. Sau đó ông làm việc phần lớn thời gian tại nhà máy thép Midvale & Bethlehem ở Pennsylvania, nơi ông đã thăng tiến nhanh chóng khi vừa đi làm rồi kết hợp với đi học bằng kỹ sư cơ khí vào buổi tối. Ở nhà máy Midvale, ông cẩn thận ghi chép lại một lượng lớn thời gian bị lãng phí bởi người công nhân khi họ không được trang bị máy móc và không được đào tạo thao tác làm việc một cách đơn giản nhất, ôngluôn cảm thấy lo lắng vì năng suất kém của công nhân. Những người công nhân cùng làm một việc nhưng lại sử dụng rất nhiều kỹ thuật khác

nhau. Họ có vẻ “vừa làm vừa nghỉ ngơi”, và Taylor tin rằng năng suất của người công nhân đó chỉ bằng 1/3 so với khả năng anh ta có thể làm được. Hầu như lúc đó chưa hề có khái niệm tiêu chuẩn làm việc. Các công nhân được sắp xếp công việc mà không hề được quan tâm hay quan tâm rất ít đến khả năng và năng khiếu cần phải có để thực hiện công việc. Các nhà quản trị và những người công nhân thì thường xuyên xung đột với nhau. Ông đã giải quyết bằng cách áp dụng phương pháp khoa học vào những công việc trong xưởng sản xuất. Ông đã phải mất hơn hai thập kỷ theo đuổi một cách nhiệt tình triết lý “cách tốt nhất” cho mỗi công việc cần thực hiện.

Kinh nghiệm làm việc ở nhà máy Midvale đã giúp Taylor xác định được những nguyên tắc định hướng rõ ràng để nâng cao hiệu suất sản xuất. Ông cho rằng bốn nguyên tắc quản trị sẽ đem lại lợi ích cho cả những nhà quản trị và nhân viên. Vậy những nguyên tắc khoa học này hoạt động như thế nào? Chúng ta hãy nhìn vào ví dụ dưới đây.

Có lẽ ví dụ được biết nhiều nhất trong những nguyên tắc quản trị của Taylor là những cuộc thí nghiệm về gang. Các công nhân phải chuyển các “thỏi” gang (mỗi thỏi nặng 42 kg) lên toa xe lửa. Năng suất trung bình một ngày là 12,5 tấn một ngày. Tuy nhiên, Taylor tin rằng nếu như phân tích một cách khoa học công việc này để xác định “cách tốt nhất” để chuyển các thỏi gang này thì trọng lượng mà công nhân có thể vận chuyển sẽ tăng lên từ 47 hoặc 48 tấn một ngày. Sau khi đã kết hợp một cách khoa học giữa các quy trình, kỹ thuật và công cụ sử dụng, Taylor đã thành công trong việc đạt được mức năng suất đó. Bằng cách nào? Câu trả lời là Taylor đã biết sử dụng đúng người đúng việc kết hợp với việc sử dụng công cụ cần thiết, yêu cầu công nhân làm theo sự chỉ dẫn của ông một cách chính xác, khuyến khích công nhân bằng biện pháp kinh tế quan trọng và cần thiết đó là tăng tiền công hàng ngày. Áp dụng cách làm tương tự cho những công việc khác, Taylor đã xác định được “cách tốt nhất” để thực hiện từng công việc. Cuối cùng, Taylor đã liên tục nâng cao năng suất một cách chắc chắn ở mức 200% hoặc cao hơn. Thông qua những nghiên cứu mới mang tính đột phá về công việc tay chân bằng các phương pháp khoa học của mình, Taylor đã được mọi người biết đến như là “cha đẻ” của thuyết quản trị bằng phương pháp khoa học. Những nguyên tắc quản trị của Taylor nhanh chóng được lan truyền trên khắp nước Mỹ và sau đó là Pháp, Đức, Nga, Nhật và đã thúc đẩy những người khác học và phát triển các phương pháp quản trị bằng khoa học. Những người kế thừa nổi tiếng nhất thuyết quản trị có khoa học của ông là Frank và Lillian Giberth.

Bốn nguyên tắc nổi bật trong quản trị có khoa học của Taylor:

1. Phát triển một phương pháp khoa học cho từng phần công việc của mỗi cá nhân thay cho những phương pháp dựa trên kinh nghiệm cũ kỹ.

2. Lựa chọn, đào tạo, huấn luyện, phát triển đội ngũ công nhân một cách khoa học. (Trước đây, những người công nhân lựa chọn công việc của họ và tự đào tạo theo cách tốt nhất mà họ có thể).

3. Hợp tác chân thành với công nhân để đảm bảo tất cả các công việc được thực hiện theo đúng các nguyên tắc khoa học đã được tìm ra.

4. Phân chia công bằng công việc và trách nhiệm giữa quản trị và công nhân. Các nhà quản trị thực hiện tất cả các công việc phù hợp với họ thay vì để công nhân làm hết (trước đây, hầu hết các công việc và trách nhiệm đều dồn lên đầu người công nhân).

Đánh giá chung về quản trị khoa học

Thực tiễn trong hoạt động quản trị tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, những ý tưởng của Taylor và các thành viên khác thuộc quan điểm khoa học vẫn được áp dụng trong nhiều doanh nghiệp. Các công ty như Ford, Honda, Dell đã làm ra sản phẩm nhanh hơn và rẻ hơn so với những nghiên cứu của Taylor; và cũng đã có hàng trăm công ty đã vận dụng nguyên lý của Taylor để cải thiện tiến trình tuyển chọn, đầu tư huấn luyện kỹ năng thích hợp cho công nhân của họ. Tuy nhiên bên cạnh những thành công của việc vận dụng quan điểm khoa học vào hoạt động quản trị, vẫn còn những điều đáng tiếc về nguyên lý này, đó là các thành viên của trường phái quản trị khoa học đều không quan tâm và thậm chí còn hiểu sai về khía cạnh con người trong sản xuất. Bởi trong nghiên cứu của các tác giả đều nhấn mạnh công nghệ giữ vai trò trung tâm, công nhân chỉ được xem là máy móc, là yếu tố hao phí của sản xuất. Công nhân được thúc đẩy chủ yếu bằng sự phục vụ để thu được tiền bạc nhằm thỏa mãn các nhu cầu kinh tế và vật chất của họ. Các tác giả không nhận thấy rằng công nhân cũng có các nhu cầu xã hội, các điều kiện làm việc và sự thỏa mãn nghề nghiệp cũng có vai trò quan trọng.

Nhìn chung quan điểm khoa học đã có những đóng góp rất lớn và có ảnh hưởng đáng kể trong quá trình định hình đến sự phát triển của các quan điểm quản trị. Tuy nhiên vì quá nhấn mạnh đến quyền điều khiển và kiểm soát nên các tác giả đã xem nhẹ vấn đề con người với đặc điểm là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, con người là hệ thống mở, vừa độc lập vừa phức tạp và thực hiện công việc trong điều kiện cho phép họ tự hoàn thiện công việc của bản thân.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 39 - 41)