Quản trị hành chính/ tổng quát (Administrative Management)

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 41 - 44)

Đầu thế kỷ XX, lý luận quản trị của Taylor đã được truyền bá khắp Châu Âu một cách nhanh chóng, trong đó có nước Pháp. Vào thời kỳ ấy, một người thầy lớn về khoa học quản lý đã xuất hiện ở Pháp. Đó là Henri Fayol. Nhưng trong một thời gian tương đối dài, tư tưởng của Fayol về quản lý chưa được coi trọng. Mãi đến năm 1949, tác

phẩm chủ yếu của ông là "Quản lý công nghiệp và quản lý nói chung" bằng tiếng Anh mới được xuất bản ở Mỹ. Thời điểm đầu, do ảnh hưởng về tư tưởng quản lý của Taylor nên tác phẩm của Fayol vẫn bị coi nhẹ. Tuy nhiên, ngày nay tư tưởng của ông về quản lý đã được phổ biến rộng rãi ở các nơi trên thế giới.

Henri Fayol (1841 - 1925) là người đặt nền móng cho lý luận tổ chức cổ điển. Năm 1860, ở tuổi 19, Henri Fayol bắt đầu làm việc cho một công ty khai thác mỏ với tư cách kỹ sư mỏ. Sau 5 năm sau, ông được cử làm giám đốc của một mỏ. Năm 1888, công ty nói trên được cải tổ thành một công ty liên hợp và Fayol làm Tổng giám đốc. Năm 1918, do tài năng quản lý xuất sắc của ông, công ty liên hợp nói trên từ chỗ sắp phá sản trở nên hưng thịnh. Sau khi thôi giữ chức Tổng giám đốc công ty liên hợp về khai thác mỏ, ông đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phổ biến lý luận về quản lý, đồng thời làm giáo sư Học viện quản lý cao cấp và giảng dạy về quản lý tại trường Đại học lục quân và trường Quân nhu hải quân của Pháp.

Fayol tiến hành nghiên cứu cùng thời điểm với Taylor. Nhưng trong khi Taylor tập trung vào việc quản trị ở cấp thấp nhất trong doanh nghiệp và sử dụng phương pháp khoa học thì Fayol lại tập trung thực hiện và tất cả các hoạt động của tất cả các nhà quản trị. Fayol viết ra từ kinh nghiệm bản thân với tư cách là người thực hành vì ông là giám đốc điều hành của một công ty khai thác mỏ rất lớn của Pháp. Ông mô tả hoạt động quản trị như một hệ thống chức năng tổng thể bao gồm các hoạt động hoạch định, tổ chức, điều khiển, phối hợp và kiểm soát. Vì các ý tưởng này của ông rất quan trọng nên chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn những gì ông đã đề cập.

Fayol mô tả hoạt động quản trị là những gì tách biệt hẳn với các chức năng kế toán, tài chính, sản xuất, phân phối và các chức năng đặc trưng khác. Ông cho rằng hoạt động quản trị là một hoạt động chung đối với nỗ lực của con người trong kinh doanh, trong chính phủ và thậm chí trong gia đình. Sau đó ông đã tiếp tục phát triển 14 nguyên tắc quản trị- những quy tắc căn bản của quản trị mà có thể dạy ở trường học và áp dụng trong tất cả các công việc của doanh nghiệp.

Mười bốn nguyên tắc quản trị của Fayol:

1. Phân công lao động. Chuyên môn hóa làm gia tăng sản lượng đầu ra thông qua việc nâng cao hiệu quả suất của người lao động.

2. Quyền hạn. Các nhà quản trị có khả năng đưa ra mệnh lệnh. Quyền hạn tạo cho họ quyền này. Tuy nhiên quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm.

3. Kỷ luật. Nhân viên phải tuân thủ và tôn trọng các quy tắc của doanh nghiệp đề ra.

4. Thống nhất mệnh lệnh. Mọi nhân viên chỉ nhận mệnh lệnh từ một người cấp trên duy nhất.

5. Thống nhất định hướng. Doanh nghiệp phải có một kế hoạch hành động duy nhất để định hướng các nhà quản trị và nhân viên.

6. Lợi ích cá nhân đặt dưới lợi ích chung. Lợi ích của bất kỳ nhân viên hay một nhóm nhân viên nào không được đặt trên lợi ích của cả doanh nghiệp.

7. Trả lương. Công nhân phải được trả lương công bằng tương xứng với công sức lao động của họ.

8. Mức độ tập trung hóa. Thuật ngữ này đề cập đến mức độ trong đó cấp dưới tham gia vào quá trình ra quyết định.

9. Dây chuyền quyền lực (hệ thống cấp bậc). Đường quyền hạn từ cấp quản trị cao nhất đến những cấp thấp nhất trong dây truyền quyền lực hình thang.

10. Trật tự. Con người và nguyên vật liệu cần được sắp xếp đúng chỗ và đúng lúc.

11. Công bằng. Quản trị viên phải đối xử tốt và công bằng đối với cấp dưới của họ.

12. Sự ổn định nhân sự.Nhà quản trị phải có được những kế hoạch nhân sự hợp lý và đảm bảo luôn có đủ người bổ sung vào các chỗ trống.

13. Tự chủ và sáng tạo. Nhân viên được phép phát triển và triển khai những kế hoạch sẽ có nỗ lực cao trong công việc.

14. Tinh thần đồng đội. Khuyến khích tinh thần đồng đội từ đó tạo nên sự hòa hợp và thống nhất bên trong doanh nghiệp.

Trong 14 nguyên tắc quản trị của Fayol, nguyên tắc thống nhất mệnh lệnh và nguyên tắc dây truyền quyền lực (hệ thống cấp bậc) là 2 nguyên tắc quyết định cốt lõi lý luận quản trị của Fayol. Nội dung cụ thể của 2 nguyên tắc như sau:

Thống nhất mệnh lệnh

Nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt trong quản trị, bởi vì “một nhân viên cấp dưới chỉ nhận mệnh lệnh từ một người lãnh đạo”. Fayol nhấn mạnh rằng đây là một nguyên tắc cơ bản, phổ biến và cần được duy trì. Trái ngược với nguyên tắc này là nguyên tắc chỉ huy song trùng, theo Fayol, trong thực tế nguyên tắc chỉ huy song trùng sẽ phá hoại doanh nghiệp. Nguyên nhân gây ra hiện tượng đó chủ yếu gồm: Một là, nhà quản trị để tranh thủ thời gian hoặc để ngăn chặn một hành vi sai lầm nào đó đã không thông qua một nhà quản trị khác, đã trực tiếp ra lệnh cho cấp dưới. Hai là, hai nhà quản trị có vị trí ngang nhau không phân rõ chức quyền. Ba là, giới hạn trách nhiệm không rõ ràng, họ tự cho cấp dưới thuộc quyền kiểm soát của mình. Bốn là, chức năng của một số bộ phận không rõ ràng, trùng lặp có thể dẫn đến chỉ huy song trùng. Khi đó nó sẽ gây hại cho uy quyền và kỷ luật, phá hoại trật tự và sự ổn định của

doanh nghiệp. Nếu tình trạng đó kéo dài, không giải quyết kịp thời thì doanh nghiệp sẽ ngày một suy yếu, thất bại.

Dây truyền quyền lực

Theo kinh nghiệm của Fayol, hệ thống cấp bậc, tức là hệ thống có trên, có dưới, từ cấp quản trị cao nhất đến cấp quản trị thấp nhất trong doanh nghiệp. Hình thức tổ chức quản lý được lập ra theo hình thức cấp bậc đó là hình thức tổ chức quản lý theo kiểu trực tuyến. Nó đòi hỏi những mệnh lệnh phát ra từ cơ cấu quyền lực cao nhất hoặc những báo cáo gửi cho cấp bậc quản trị cao nhất đều phải qua các cấp của hệ thống cấp bậc để đưa xuống cũng như chuyển lên. Đường truyền đạt thông tin đó gọi là hệ thống cấp bậc và còn được gọi là hệ thống quyền lực. Hệ thống đó là hết sức cần thiết để quán triệt nguyên tác thống chất chỉ huy.

Mười bốn nguyên tắc quản trị của Fayol đều xoay quanh một vấn đề trọng tâm là thiết kế và vận hành của doanh nghiệp hoặc cơ cấu xã hội. Bộ khung của doanh nghiệp thiết kế như thế nào, trước hết phải căn cứ vào sự phân công công việc. Do đó, nguyên tắc phân công được xem là điều kiện tiền đề của cơ cấu tổ chức. Cụ thể hóa nguyên tắc phân công tức là sự quy định rõ phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của các cấp quản trị. Do đó, muốn có sự hài hòa giữa quyền hạn và trách nhiệm thì phải xây dựng và thực hiện nguyên tắc phân công công việc. Các nguyên tắc dây chuyền quyền lực, thống nhất chỉ huy, thống nhất mệnh lệnh và tập trung đều là những điều kiện cần thiết để đảm bảo sự vận hành thông suốt và lành mạnh của doanh nghiệp. Vì vậy có thể nói đó là những nguyên tắc vận hành của doanh nghiệp.

2.2. QUAN ĐIỂM HÀNH VI

Như chúng ta đã biết, các nhà quản trị thực hiện mục tiêu của mình bằng cách làm việc với người khác. Điều này giải thích tại sao một số tác giả và nhà nghiên cứu thường xem xét vấn đề quản trị bằng cách tập trung vào nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến những hoạt động (hành vi) của con người trong công việc được gọi là hành vi tổ chức (OB - Organization Behavior). Hiện nay phần lớn nội dung của quản trị nguồn nhân lực và những quan điểm hiện đại về khuyến khích con người, lãnh đạo, niềm tin, làm việc nhóm và quản lý mâu thuẫn đều xuất phát từ nghiên cứu hành vi tổ chức.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 41 - 44)