Môi trường kinh tế

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 61 - 63)

Môi trường kinh tế đại diện cho tình trạng kinh tế của một quốc gia hoặc vùng, nơi mà doanh nghiệp hoạt động.Trong môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố như tốc độ tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế, sức mua, sự ổn định của giá cả, tiền tệ, lạm phát, tỷ giá hối đoái, thuế, lãi suất, thất nghiệp,...tất cả các yếu tố này đều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Những biến động của các

yếu tố kinh tế có thể tạo ra cơ hội và cả những thách thức với doanh nghiệp. Để đảm bảo thành công của hoạt động doanh nghiệp trước biến động về kinh tế, các doanh nghiệp phải theo dõi, phân tích, dự báo biến động của từng yếu tố để đưa ra các giải pháp, các chính sách tương ứng trong từng thời điểm cụ thể nhằm tận dụng, khai thác những cơ hội, né tránh, giảm thiểu nguy cơ và đe dọa. Bên cạnh đó, để đưa ra kết luận đúng, khi phân tích, dự báo sự biến động của các yếu tố kinh tế, các doanh nghiệp cần dựa vào một số căn cứ quan trọng như: các số liệu tổng hợp của kì trước, các diễn biến thực tế của kì nghiên cứu, dự báo của các nhà kinh tế lớn,...

Trong môi trường kinh tế, chúng ta tập trung xem xét các khía cạnh cơ bản của nó, gồm: thâu tóm và sáp nhập và khuynh hướng kinh tế mới.

d. a. Thâu tóm và sáp nhập

Một trong những xu hướng quan trọng trong môi trường kinh tế hiện nay là sự sáp nhập và thôn tính diễn ra thường xuyên. Hoạt động mua bán và sáp nhập viết tắt là M&A (tiếng Anh là Mergers and Acquisitions) có nguồn gốc từ thế kỷ 19 và xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ. M&A xuất hiện như một sự đa dạng về hình thức đầu tư tài chính.

Việt Nam đã có rất nhiều thương vụ M&A và thành công nhất trong số đó phải kể tới trường hợp của Kinh Đô. Công ty Kinh Đô đã mua lại nhãn hiệu kem Wall’s của tập đoàn Unilever Bestfood Việt Nam. Theo các điều khoản của hợp đồng này, Kinh Đô sẽ mua lại toàn bộ cơ sở vật chất để sản xuất và kinh doanh kem Wall’s tại Việt Nam và được phép sử dụng thương hiệu kem Wall’s cho đến hết năm 2004, và sau đó phải sử dụng một tên gọi khác để kinh doanh sản phẩm này. Và thương hiệu Kido’s đã ra đời vào cuối năm 2004. Chỉ riêng năm 2004, mức tăng trưởng của Kido’s đạt 28% cao gần gấp ba lần so với với nhãn hiệu kem Wall’s trước khi được mua lại, doanh thu năm 2006 đạt 124 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng.

e. b. Khuynh hướng kinh tế mới

Nền kinh tế cũ trước đây chủ yếu tập trung vào sản xuất công nghiệp và nông nghiệp dựa chủ yếu trên máy móc thiết bị và sức người. Tuy nhiên cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, các nhà sản xuất sử dụng phần mềm nhiều hơn và sử dụng lược lượng lao động có kỹ năng thấp ít hơn. Hệ thống sản xuất hiện đại mang tính tự động hóa, kết nối mạng và mang tính tích hợp hơn trước rất nhiều. Vì vậy nhiều nhà sản xuất có thể giảm thấp việc sở hữu máy móc thiết bị hạng nặng và tập trung vào những phần mềm giúp họ quản lý quá trình sản xuất và đồng thời làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Con người trong thời đại mới được trang bị nhiều kiến thức hơn.

Hiểu biết về những xu hướng thay đổi của nền kinh tế có vai trò hết sức quan trọng đối với tư duy của các nhà quản trị trong nỗ lực làm cho doanh nghiệp có thể thích ứng với môi trường.

Để thích ứng với nền kinh tế mới, tư duy của các nhà quản trị cũng dần thay đổi, họ tìm cách sáng tạo ra giá trị cho tổ chức bằng cách nâng cao sự hiểu biết của mình. Với một nền kinh tế đang trở nên ít dần việc trao đổi các hàng hóa hữu hình, thay vào đó là sự trao đổi thông tin và dịch vụ, các công ty trong thời đại mới sẽ đầu tư cho ý tưởng và tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết. Nhà quản trị giờ đây không còn chỉ kinh doanh theo những phương pháp truyền thống mà họ đã có thể dựa vào kinh tế tri thức đã tạo ra những thị trường mới. Những giới hạn về biên giới giữa các quốc gia đang dần bị xóa nhòa. Các công ty hiện nay có thể gia tăng việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng mà không cần phải bận tâm họ đang ở đâu trên trái đất. Chỉ cần một thao tác click chuột, một công ty sẽ có thể tiếp cận với khách hàng tiềm năng của mình. Chính vì vậy, Internet được đánh giá là một cuộc cách mạng thực sự do khả năng ứng dụng cao và cắt giảm chi phí giao dịch giữa các cá nhân một cách đáng kinh ngạc. Vào cuối thập niên 1990, khi Jeff Bezos sáng lập ra Amazon.com thì lập tức Internet đã trở thành một mối đe dọa đối với những nhà bán lẻ truyền thống.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 61 - 63)