Môi trường quốc tế

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 59 - 61)

Môi trường quốc tế trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đề cập đến những sự kiện xuất phát từ nước ngoài cũng như cơ hội đối với các doanh nghiệp trong nước đến từ các quốc gia khác. Nghiên cứu sự thay đổi trong môi trường quốc tế giúp doanh nghiệp phát hiện các đối thủ cạnh tranh, khách hàng, và nhà cung cấp mới cũng như các khuynh hướng về xã hội, công nghệ trên phạm vi toàn cầu.

Ngày nay mọi doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh trên cơ sở toàn cầu. Bất kỳ một sự kiện chính trị hay quốc tế nào trên thế giới hiện nay đều có thể ảnh

hưởng ít nhiều đến một quốc gia, một hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn như những cuộc chiến tranh tại khu vực giàu dầu mỏ ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu thô, tình trạng căng thẳng kéo dài giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hiện đang là mối quan ngại của các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Môi trường quốc tế vừa tạo ra những cơ hội nhưng cũng đem đến những nguy cơ đối với doanh nghiệp. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, chỉ trong một khoảng thời gian 30 năm, bằng con đường phát triển phù hợp, Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành một siêu cường về kinh tế trên thế giới. Cùng với Nhật Bản, các quốc gia khác như Hàn Quốc và Singapore cũng đã tận dụng được những cơ hội do môi trường quốc tế mang lại để phát triển đất nước, trở thành những “con hổ” ở châu Á, là thành viên của nhóm NIC (New Industry Countries). Nhưng cùng với đó là sự giảm sút và đi xuống của một số nền kinh tế trên thế giới như Anh, Pháp, Italia. Hiện nay, Đức đã thay thế Anh trở thành đầu tàu của kinh tế châu Âu, là thành viên chủ chốt trên các diễn đàn kinh tế khu vực.

Môi trường quốc tế với đặc trưng là toàn cầu hóa, do vậy, 2 nội dung sẽ đề cập ở đây: chiến lược toàn cầu hóa và làm thế nào để thích ứng với chiến lược toàn cầu hóa.

Chiến lược toàn cầu hóa

Trong tác phẩm Thế Giới Phẳng (The World’s flat), Thomas L. Friedman đã nhận định rằng sân chơi ngày càng trở nên công bằng, và thế giới đang ngày càng phẳng hơn. Để hội nhập một cách sâu rộng và phát triển theo xu hướng chung của thế giới, không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải thực hiện các chiến lược toàn cầu hóa. Vậy chiến lược toàn cầu hóa là gì? Chúng ta có thể hiểu chiến lược toàn cầu hóa là chiến lược mà doanh nghiệp coi thị trường toàn cầu như một thị trường thống nhất nên doanh nghiệp sản xuất và cung cấp những sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, đồng nhất như nhau. Các doanh nghiệp thực hiện chiến lược này có những sản phẩm toàn cầu, sản xuất trên qui mô toàn cầu tại một số ít địa điểm phân xưởng hiệu quả cao và thực hiện tiếp thị thông qua một số ít kênh phân phối tập trung. Các doanh nghiệp này giả định rằng không có sự khác biệt gì giữa các nước khi đề cập tới thị hiếu và sở thích của khách hàng, và nếu có sự khác biệt thì khách hàng vẫn bỏ qua do mua được sản phẩm có chất lượng tương đối tốt với một mức giá hợp lý. Trên thực tế, các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược này nhằm mục tiêu trở thành doanh nghiệp chi phí thấp của ngành trên toàn cầu. Để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở sản xuất qui mô toàn cầu ở các địa điểm có chi phí thấp để làm nền tảng cho các hoạt động vận hành hiệu quả như việc mở nhà máy gia công tại Việt Nam, nhà máy sản xuất linh kiện ô tô tại Trung Quốc hay trung tâm trả lời điện thoại tại Ấn Độ. Mục tiêu hiệu quả, chi phí thấp của chiến lược toàn cầu hóa là nguyên nhân trực tiếp cho việc

xây dựng các qui trình tạo giá trị của doanh nghiệp từ R&D (nghiên cứu và phát triển), sản xuất và hoạt động marketing phải được tập trung đặt tại địa điểm phù hợp nhất.

Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, một doanh nghiệp muốn phát triển thì nhất thiết phải vươn mình ra biển lớn để hòa vào đại dương bao la. Vậy các doanh nghiệp cần phải làm những gì để thích ứng và tồn tại trong một chiến lược toàn cầu?

Lường trước những khó khăn

Làm việc trong môi trường toàn cầu là một thách thức không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Khi doanh nghiệp gặp thất bại với những chiến lược thông thường, buộc họ phải tìm kiếm những chiến lược mới. Để đưa ra một chiến lược mới quả là không dễ dàng nhất là khi doanh nghiệp đang không chắc chắn, hoài nghi, lúng túng, và bối rối trước những gì thị trường đang phản ứng lại kế hoạch ban đầu. Đừng bảo thủ và chăm chăm với những chiến lược đã đưa ra. Đơn giản, hãy chấp nhận khó khăn như một phần trong quá trình quản trị đưa doanh nghiệp của mình hòa nhập cùng thế giới.

Nhận thức về hành động của mình

Các doanh nghiệp cần phải nhận thức được chiến lược của mình sẽ mang lại lợi ích gì. Việc áp dụng chiến lược đó sẽ gặp phải khó khăn và rủi ro gì trong quá trình thực hiện. Các doanh nghiệp cần phải tự nhận thức được rằng đề ra một chiến lược đúng đắn đã là khó nhưng việc áp dụng chiến lược đó vào thực tế còn khó khăn hơn nhiều. Mỗi một hành động của doanh nghiệp đều có thể tác động tới doanh thu và hình ảnh của mình trên thị trường cũng như chịu sự theo dõi của các đối thủ cạnh tranh.

Nhận thức sự khác biệt

Doanh nghiệp cần phải nhận thức được sự khác biệt giữa các thị trường và các nền văn hóa khác nhau. Để hợp tác được trong nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp cần có những chiến lược riêng biệt đối với từng loại sản phẩm của mình sao cho phù hợp với thị hiếu và đặc trưng văn hóa của từng quốc gia, từng thời kỳ. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp làm ra phù hợp với tiêu chí của người dân địa phương thì doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ chiếm được thị phần. Ví dụ như hương vị của Coca - Cola ở Trung Quốc có vị ngọt đậm và ít ga hơn so với sản phẩm cùng loại của Coca - Cola tại thị trường Việt Nam.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 59 - 61)