Những đóng góp của Follett

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 44 - 46)

Mary Parker Follett (1868 - 1933) đã có những đóng góp quan trọng vào quan điểm quản trị hành vi. Bà tin rằng quản trị là một quá trình liên tục không ngừng, nếu một vấn đề phát sinh được giải quyết, việc giải quyết vấn đề này có thể dẫn đến phát sinh một vấn đề mới. Bà nhấn mạnh (1) mối quan hệ giữa các nhân viên trong việc giải

quyết vấn đề và (2) động lực của quản trị, hơn là những nguyên tắc cứng nhắc. Những tư tưởng này khác hẳn với các quan điểm của Weber, Taylor, Fayol.

Follett nghiên cứu cách thức mà những nhà quản trị thực hiện công việc bằng cách quan sát họ tại nơi làm việc. Dựa trên những quan sát này, bà kết luận rằng sự phối hợp là điều kiện cần thiết để quản trị hiệu quả.

Bốn nguyên tắc phối hợp mà các nhà quản trị cần áp dụng:

1. Sự phối hợp sẽ đạt kết quả cao nhất khi những người chịu trách nhiệm ra quyết định có mối liên hệ trực tiếp với nhau.

2. Việc phối hợp trong suốt giai đoạn đầu của quá trình hoạch định và thực hiện dự án là điều cần thiết.

3. Việc phối hợp cần lưu ý đến tất cả các yếu tố liên quan đến một tình huống cụ thể.

4. Việc phối hợp cần được thực hiện một cách liên tục.

Follett tin tưởng rằng những người am hiểu công việc nhất sẽ là những người có các quyết định tốt nhất. Ví dụ, bà tin chắc rằng các quản trị viên tác nghiệp là những người đứng ở vị trí tốt nhất để phối hợp các công việc. Bằng cách tăng cường việc truyền thông giữa cấp quản trị tác nghiệp và nhân viên của họ, những nhà quản trị này có thể đưa ra các quyết định tốt hơn bất kỳ nhà quản lý cấp trên nào. Follett cũng tin chắc rằng cấp quản trị tác nghiệp không những lập kế hoạch và phối hợp hoạt độngcủa nhân viên mà còn kết hợp họ vào chung một quá trình. Đơn giản vì quản trị viên trực tiếp trò chuyện với nhân viên những việc cần làm theo một cách rõ ràng, và không nên cho rằng nhân viên sẽ phải làm công việc đó. Follett cho rằng mọi cấp quản trị cần duy trì mối quan hệ làm việc tốt đẹp với nhân viên dưới quyền của họ. Có một cách để thực hiện điều này là lôi kéo nhân viên vào tiến trình ra quyết định để họ có liên quan đến việc thực hiện quyết định này. Dựa trên việc nghiên cứu tâm lý học và xã hội học, Follett nghĩ rằng các nhà quản trị cần nhận thấy rõ rằng mỗi nhân viên của mình có những niềm tin, thái độ và cảm xúc riêng.

Đóng góp của Follett về những nghiên cứu tâm lý của cá nhân trong đời sống xã hội đối với các vấn đề quản trị còn có những điểm đáng lưu ý.

- Phương pháp giải quyết các mâu thuẫn trong một tổ chức. Theo Follet, “thống nhất” đó chính là phương pháp tốt nhất và làm vững lòng nhất để chấm dứt mâu thuẫn.

- Việc đề ra mệnh lệnh và chấp hành mệnh lệnh phải xuất phát từ mối quan hệ giữa người ra lệnh và người thi hành lệnh; quan hệ này được giải quyết thông qua hoàn cảnh cụ thể chứ không phải theo đẳng cấp hoặc quyền hành đã được thiết lập, sao cho người ta có thể tiếp nhận mệnh lệnh mà vẫn cảm thấy được có phần trách nhiệm.

- Người quản trị phải hiểu được vị trí của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, bản chất của mối quan hệ làm việc tốt đẹp là người lao động làm việc với ai chứ không phải dưới quyền ai và nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm tra chứ không phải bị kiểm tra.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)