Các loại hoạch định

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 74 - 76)

c. Hoạch định chiến lược

Hoạch định chiến lược là tập hợp các hành động, quyết định của nhà lãnh đạo hướng tới việc soạn thảo các chiến lược chuyên biệt nhằm thực hịên mục tiêu và chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Hoạch định chiến lược định hướng về tương lai nơi doanh nghiệp muốn đạt được trong 3, 5 hoặc thậm chí 10 năm. Hoạch định chiến lược được thiết lập bởi nhà quản cấp cao (Top managers), nhưng cũng cần có sự tham gia các cấp quản trị trong tổ chức để đạt được mục tiêu chiến lược đã được hoạch định. Quản trị cấp cao phát triển các mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp để quản trị cấp trung có thể tạo ra kế hoạch chiến thuật tương thích phù hợp với những mục tiêu đó.

d. Hoạch định chiến thuật

Hoạch định chiến thuật hỗ trợ các kế hoạch chiến lược bằng cách chuyển chúng vào các kế hoạch cụ thể liên quan đến từng bộ phận riêng của tổ chức.

e. Hoạch định tác nghiệp

Hoạch định tác nghiệp nằm ở vị trí quản trị thấp nhất, đó là những kế hoạch được thực hiện bởi nhà quản trị cấp cơ sở. Hoạch định tác nghiệp là quá trình ra các quyết định ngắn hạn và chi tiết về nội dung công việc; các biện pháp thực hiện nhằm cụ thể hóa hoạch định chiến thuật. Tất cả các kế hoạch tác nghiệp tập trung vào các thủ tục và quy trình cụ thể xảy ra ở những cấp thấp nhất của doanh nghiệp.

Theo J. Stoner, hệ thống hoạch định của một doanh nghiệp được phân chia thành hoạch định mục tiêu, hoạch định chiến lược, hoạch định tác nghiệp. Trong đó, các hoạch định tác nghiệp lại được phân thành 2 nhóm: (1) kế hoạch đơn dụng (cho những hoạt động không lặp lại) gồm có ngân sách, chương trình và dự án; và (2) kế hoạch thường xuyên (cho những hoạt động lặp lại) bao gồm chính sách, thủ tục và qui định.

-Kế hoạch đơn dụng: Là những bản kế hoạch được sử dụng duy nhất một lần. Chúng bao gồm các hoạt động có thể sẽ không được lặp đi lặp lại, thường có một thời hạn và sử dụng cho một hoạt động cụ thể. Ví như tạo một ngân sách hàng tháng và phát triển một hoạt động quảng cáo theo quý để tăng doanh số bán hàng của một sản phẩm,… Kế hoạch đơn dụng thường là ngân sách, chương trình và dự án.

+Chương trình: Là một bộ các quy tắc, trình tự, công việc được thực hiện nhằm phục vụ một mục đích hay nhiệm vụ xác định.

+Dự án: Quy mô nhỏ hơn và có thể là một bộ phận của chương trình, được giới hạn nghiêm ngặt về các nguồn lực sử dụng và thời gian hoàn thành.

+Ngân sách: Là một biểu mẫu giúp lập kế hoạch, giám sát và kiểm soát các nguồn tài chính những hoạt động đã định, trong một khoảng thời gian dự kiến. Ngân sách là thành tố quan trọng của chương trình và dự án, là công cụ kiểm soát hiệu quả hoạt động của đơn vị.

-Kế hoạch thường xuyên: Là những bản kế hoạch được sử dụng nhiều lần và được thay đổi khi cần thiết; được xây dựng để thích ứng với những thay đổi theo thời gian và xây dựng để thích ứng với những thử thách của thời gian. Ví dụ như việc đánh giá hiệu quả thực hiện công việc của nhân viên trong năm sẽ cần được thực hiện liên tục và cập nhật điều chỉnh nếu cần thiết. Kế hoạch thường xuyên thường là chính sách, thủ tục hoặc quy tắc.

+ Chính sách: Chính sách là tập hợp các chủ trương, các biện pháp khuyến khích đối tượng phụ thuộc vào chính sách nhằm đạt được mục đích của chủ thể. Chính sách cần phải dễ điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn đồng thời phải dễ truyền đạt và dễ hiểu đối với nhân viên.

+ Thủ tục: Là những hướng dẫn chi tiết các bước để thực hiện chính sách trong một hoàn cảnh cụ thể như đặt hàng, lưu kho, bảo quản, …

+ Nguyên tắc: Là những điều cơ bản do doanh nghiệp đặt ra với các hướng dẫn cụ thể và rõ ràng của hành vi. Đó là những gì họ nên và không nên làm dựa trên những quan điểm tư tưởng nhất định đòi hỏi các bộ phận trong doanh nghiệp và từng cá nhân phải tuân theo.

Nhìn chung việc phân chia các loại hoạch định theo các tiêu thức trên chỉ mang tính tương đối. Khi lập kế hoạch cần xem xét các loại hoạch định trong mối quan hệ qua lại, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị học đại cương: Phần 1 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 74 - 76)