Sau khi xác định nội dung kiểm tra, ban lãnh đạo cần định ra tiêu chuẩn kiểm tra, đánh giá mỗi khía cạnh thành tích. Nếu không có tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá thì việc kiểm tra không thể thực hiện có hiệu quả được.
Tiêu chuẩn kiểm tra chiến lược là ranh giới để xác định chiến lược cũng như từng mục tiêu (chỉ tiêu) chiến lược (kế hoạch bộ phận của chiến lược) còn phù hợp hay phải điều chỉnh. Với ý nghĩa đó sẽ không có tiêu chuẩn chung cho mọi nội dung kiểm tra của doanh nghiệp mà phải sử dụng nhiều loại tiêu chuẩn khác nhau, nội dung kiểm tra nào phải có tiêu chuẩn phù hợp với nó.
Tùy theo từng nhân tố đánh giá, mục tiêu hay chỉ tiêu đánh giá là định tính hay định lượng mà các tiêu chuẩn đưa ra cũng mang tính chất định tính hay định lượng.
* Tiêu chuẩn định tính
Các tiêu chuẩn định tính là các tiêu chuẩn không thể hiện được dưới dạng các số đo vật lí hoặc tiền tệ. Đặc điểm hoạt động kinh doanh dẫn tới trong nhiều hoạt động không thể xác định được cụ thể kết quả của các hoạt động đó bằng các đơn vị thông thường. Tiêu chuẩn đưa ra để đánh giá các hoạt động đó mang tính chất định tính. Do các đặc điểm đã nêu của các tiêu chuẩn kiểm tra có thể thấy rằng càng ở tầm bao quát bao nhiêu và càng xét trong khoảng thời gian dài bao nhiêu thì tính chất định tính của tiêu chuẩn đánh giá càng biểu hiện rõ bấy nhiêu. Các tiêu chuẩn định tính cần đảm bảo:
Tính nhất quán: Chiến lược đưa ra đòi hỏi phải có sự phù hợp với cấu trúc, chiến lược mới nhưng cấu trúc cũ hay ngược lại thì chiến lược được xem xét là không nhất quán. Bên cạnh đó, chiến lược thực hiện phải đảm bảo mang lại lợi ích cho tất cả các bộ
phận trong doanh nghiệp, tránh tình trạng thành công của bộ phận này dẫn tới thất bại của bộ phận khác. Và chiến lược phải thống nhất với mục tiêu, đường lối và chính sách mà doanh nghiệp đang theo đuổi.
Tính phù hợp: Được đo lường bằng mức độ chiến lược được xem xét đưa ra các phản ứng phù hợp với những thay đổi xảy ra ở môi trường ngoài và trong của doanh nghiệp.
Tính khả thi: Việc kiểm tra chiến lược phải xem xét tới vấn đề doanh nghiệp có đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện chiến lược đề ra hay không.
* Tiêu chuẩn định lượng
Các tiêu chuẩn định lượng phải đảm bảo tính đa dạng và gắn với lĩnh vực và nội dung kiểm tra.
Nếu các nhân tố, chỉ tiêu, mục tiêu được đo bằng các đơn vị đo lường vật lí và do đó các tiêu chuẩn xác định đánh giá chúng cũng được đo lường bằng các đơn vị đo lường vật lí thì còn có thể gọi chúng là các tiêu chuẩn vật lí. Nếu chúng được đo bằng đơn vị tiền tệ thì tùy từng loại tiêu chuẩn mà người ta có thể gọi là tiêu chuẩn chi phí (nếu phản ánh chi phí kinh doanh), tiêu chuẩn thu nhập (nếu phản ánh doanh thu và các khoản thu nhập khác của doanh nghiệp hay từng bộ phận doanh nghiệp) hoặc tiêu chuẩn vốn (nếu phản ánh đầu tư của doanh nghiệp).
Tiêu chuẩn kiểm tra, đánh giá chiến lược gồm nhiều loại rất đa dạng, song dù thuộc tiêu chuẩn nào, khi sử dụng vào công tác kiểm tra, đánh giá chúng đều có tính chất chung sau:
Tính cụ thể của tiêu chuẩn: tiêu chuẩn đề ra phải rõ ràng, phải gắn với không gian và thời gian xác định. Nếu các mục tiêu chiến lược, chương trình và kế hoạch càng cụ thể bao nhiêu thì các tiêu chuẩn kiểm tra, đánh giá càng phải rõ ràng và cụ thể bấy nhiêu.Nếu chưa có chỉ tiêu cụ thể trong khi hoạch định chiến lược thì khi kiểm tra chúng ta cần cụ thể chúng.Các tiêu chuẩn càng cụ thể càng tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm tra và đánh giá chiến lược, do đó các kết quả kiểm tra và đánh giá chiến lược càng có độ tin cậy cao.
Tiêu chuẩn thay thế: hầu hết các mục đích của chiến lược là mang tính định hướng, tiềm ẩn các yếu tố không chắc chắn, vì vậy cần phải có các tiêu chuẩn thay thế để kiểm tra và đánh giá.Các tiêu chuẩn thay thế cần phải được đề ra khi kết quả thực hiện đạt được không thể định lượng một cách trực tiếp. Các tiêu chuẩn thay thế giúp quá trình kiểm tra và đánh giá chiến lược được toàn diện và có căn cứ hơn.Ví dụ có thể ấn định các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội dưới dạng số tiền cụ thể chi dùng cho các mục đích từ thiện hoặc số người có hoàn cảnh khó khăn được công ty giải quyết việc làm.
dự kiến mức giới hạn sai lệch cho phép. Vì kết quả thực tế đạt được ít khi chính xác hoàn toàn so với kế hoạch đề ra nên cần có giới hạn sai lệch này. Mức giới hạn sai lệch cho phép là mức độ khác biệt giữa kết quả thực hiện và chỉ tiêu kế hoạch đề ra mà kết quả thực hiện vẫn được coi là phù hợp với kế hoạch đề ra ban đầu.