Sau khi đã phân tích các môi trường cạnh tranh từ môi trường vĩ mô, môi trường ngành và nội bộ doanh nghiệp, chúng ta có thể tổng hợp tất cả các yếu tố cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu đối với một doanh nghiệp dưới dạng một ma trận tổng hợp SWOT. Từ đó, có thể kết hợp các yếu tố này để xây dựng nên các phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm mà doanh nghiệp có thể định hướng phát triển cho mình. Sau đó thông qua các phân tích ưu điểm, nhược điểm và tính khả thi của từng phương án mà có sự lựa chọn phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm thích hợp nhất. Ma trận SWOT được tổng hợp qua bảng dưới đây:
Bảng 1.1: Ma trận SWOT và các phương án chiến lược Điểm mạnh (S)
Đó là những nguồn lực tốt hơn so với đối thủ như đội ngũ nhân lực nhiệt tình, chuyên môn cao, hệ thống bán hàng rộng khắp, tiềm lực tài chính mạnh,….
Điểm yếu (W)
Thường là đội ngũ nhân viên có trình độ không đồng đều, cơ sở vật chất nghèo nàn, hoạt động marketing chưa tốt, bộ máy quản lý hoạt động chưa hiệu quả,…
Cơ hội (O)
Cơ hội thường là các yếu tố chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, chính sách nhà nước ủng hộ, nhu cầu thị trường tăng cao, khoa học công nghệ phát triển,….
Phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm kếp hợp S/O
Phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm kếp hợp W/O
Thách thức (T)
Là nguy cơ đe dọa đối với doanh nghiệp như trình độ kỹ thuật lạc hậu, sức ép từ đối thủ cạnh tranh lớn, khả năng xuất hiện đối thủ tiềm năng cao, tâm lý chuộng hàng ngoại,…
Phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm kếp hợp S/T
Phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm kếp hợp W/T
(Nguồn: “Giáo trình chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thương mại”, chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Thừa Lộc, TS. Trần Văn Bão, NXB Lao động – Xã hội, 2005)
Phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm kếp hợp S/O: Phương án này là sự kết hợp giữa điểm mạnh của doanh nghiệp với các cơ hội. Doanh nghiệp cần phải làm sao để có thể phát huy hết điểm mạnh nhằm khai thác tối đa các cơ hội có được cho sản phẩm.
Phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm kếp hợp W/O: Là sự phối hợp giữa điểm yếu của doanh nghiệp với cơ hội. Phương án chiến lược này sẽ tận dụng các cơ hội từ yếu tố bên ngoài để vượt qua điểm yếu của bản thân doanh nghiệp. Từ đó, sản phẩm của công ty cũng được định hướng phát triển theo hướng phù hợp nhất.
Phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm kếp hợp S/T: Là phương án kết hợp yếu tố điểm mạnh với các nguy cơ tiểm ẩn, hình thành chiến lược sử dụng các lợi thế của doanh nghiệp để đối phó có hiệu quả các thách thức từ bên ngoài.
Phương án chiến lược cạnh tranh sản phẩm kếp hợp W/T: Phương án này kết hợp các mặt yếu của doanh nghiệp với các thách thức. Phương án chiến lược này cần hạn chế được các điểm yếu và né tránh những thách thức đe dọa từ yếu tố môi trường bên ngoài.
Đây là bốn phương án chiến lược điển hình, được hình thành từ sự kết hợp giữa các cặp yếu tố trong ma trận SWOT. Mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm và tính khả thi khác nhau. Việc lựa chọn phương án nào làm chiến lược cạnh tranh sản phẩm cho doanh nghiệp cần phải phân tích cận thận và lựa chọn sáng suốt.