Thứ nhất, việc chế biến và kinh doanh sữa cần đầu tư 3 hệ thống: Hệ thống chăn nuôi bò sữa; hệ thống chế biến, sản xuất và hệ thống phân phối sản phẩm. Cả ba khâu này đều cần đầu tư rất lớn về công nghệ, nhân lực, mặt bằng, tài chính,… Như vậy, đặc điểm kinh tế kỹ thuật của ngành sữa là cần có nguồn đầu tư vốn lớn, công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng khắt khe. Khi xây dựng chiến lược cạnh tranh sản phẩm sữa, doanh nghiệp phải đánh giá nghiêm túc về năng lực bản thân và tiềm lực của các đối thủ, xem doanh nghiệp mạnh ở điểm nào, yếu ở điểm nào so với đối thủ. Từ đó mới có thể đưa ra định hướng phát triển và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm hiệu quả nhất.
Thứ hai, nguồn nguyên liệu sữa tươi có đặc tính nhanh hỏng, hạn sử dụng không dài. Vì vậy, yêu cầu về bảo quản, lưu trữ và vận chuyển cẩn thận, khoa học, thời gian đưa vào hệ thống chế biến, sản xuất nhanh chóng. Đây cũng là một đặc điểm hết sức quan trọng mà doanh nghiệp sữa phải chú ý quan tâm khi phát triển kinh doanh trong ngành này.
Thứ ba, ngành sữa đã có lịch sử phát triển từ rất lâu. Hiện nay, trên thị trường có nhiều hãng sữa lớn, sự cạnh tranh trong ngành khá gay gắt. Một doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược cạnh tranh sản phẩm sữa không thể không tính tới vấn đề này.
Một điểm quan trọng nữa mà các doanh nghiệp cần tính tới là vấn đề xu hướng tiêu dùng và yêu cầu của NTD về sản phẩm sữa. Sau nhiều vụ bê bối về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vụ Melamine, NTD ngày càng cảnh giác với sản phẩm này, cùng với yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao về hình thức, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới và phương án marketing phù hợp với tâm lý của khách hàng.