Tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược cạnh tranh sản phẩm sữa của công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH đến năm 2020 (Trang 88 - 90)

Khuếch trương thương hiệu sản phẩm sữa TH

3.3.2.3Tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm

Sản phẩm TH true milk hiện đang có mặt trên thị trường đã gặt hái được những thành công bước đầu nhất định. Bằng chứng là doanh số của TH luôn gia tăng, điểm phủ thị trường ngày càng được mở rộng, mức độ nhận biết của khách hàng về công ty, sản phẩm rất cao, mức độ chấp nhận sản phẩm của NTD cũng rất tốt. Điều này có được là do NTD có thể cảm nhận được sự khác biệt về chất lượng sản phẩm TH true milk với các sản phẩm cùng loại của các hãng sữa khác.

Tuy nhiên, sản phẩm của TH còn hạn chế về chủng loại, đơn giản về mẫu mã. Điều này làm cho TH mất đi một lượng khách hàng đáng kể khi mà có những NTD thích uống sản phẩm sữa tươi có hương vị socola hay cam,.. của các hãng cạnh tranh, hoặc với đối tượng khách hàng là trẻ em thích những mẫu mã nhiều hình ảnh và màu sắc, đáp ứng được sở thích của các em.

Giải pháp là TH cần tăng cường hơn nữa hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Trước hết, những sản phẩm được tạo vẫn phải đáp ứng được yêu cầu về

chất lượng thơm ngon, bổ dưỡng, đặc biệt là “tươi”. Thứ hai, phải nghiên cứu tạo ra được nhiều hương vị, nhiều chủng loại, đáp ứng được sự phong phú, đa dạng nhu cầu của khách hàng. Thứ ba, với các đối tượng đặc biệt như trẻ em, mẫu mã sản phẩm cũng cần được nghiên cứu và thiết kế sao cho hấp dẫn, phù hợp với sở thích, tâm lý của từng khách hàng.

Việc tăng cường hoạt động R&D có thể được chia ra làm 3 giai đoạn cụ thể sẽ thực hiện như sau:

Giai đoạn 1: Đầu tư nâng cao năng lực bộ phận R&D.

Thứ nhất, TH cần bổ sung nhân sự cho bộ phận R&D nếu cần thiết. Số lượng nhân sự là yếu tố đầu tiên làm lên năng lực của bộ phận này. Vì công việc R&D bao gồm cả việc nghiên cứu nhu cầu NTD, tìm ra sản phẩm có công dụng đáp ứng nhu cầu đó, phương pháp chế biến và sản xuất thành công sản phẩm nên cần rất nhiều nhân lực và thời gian mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, TH cũng cần thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ R&D. Vì TH là công ty mới thành lập, bộ phận R&D cũng còn non trẻ nên kỹ năng, kinh nghiệm làm việc chưa cao. Đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chính là phát triển năng lực R&D theo chiều sâu, tạo tiền đề cho việc đảm bảo hoạt động của bộ phận được hiệu quả hơn, kết quả công việc vượt trội hơn.

Thứ ba, tăng cường máy móc, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho bộ phận R&D. Để thực hiện công việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cần rất nhiều trang thiết bị chuyên dùng, hiện đại mà nếu không có nó, bộ phận R&D sẽ không thể thực hiện được sứ mệnh của mình. Tăng cường máy móc, trang thiết bị chính là nâng cao năng lực vật hóa cho bộ phận R&D.

Giai đoạn 2: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nghiên cứu và phát triển chia ra làm ba nhiệm vụ chính:

Thứ nhất, nghiên cứu thị trường nhằm tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng sữa trong hiện tại và xu hướng tiêu dùng sữa trong tương lai của các nhóm khách hàng khác

nhau. Việc tìm hiểu này sẽ giúp TH định hướng được loại sản phẩm sữa nào là cái mà NTD đang mong muốn, từ đó có thể tạo ra dòng sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Thứ hai, tham khảo các sản phẩm của các đối thủ trên thị trường trong và ngoài nước nhằm học tập những thành quả mà các công ty lâu đời làm được, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công ty. Đồng thời cũng có thể giúp tìm ra sản phẩm phù hợp với mong muốn của khách hàng một cách nhanh nhất.

Thứ ba, nghiên cứu và phát triển công thức chế biến sản phẩm sao cho đảm bảo chất lượng và sự khác biệt cần thiết. TH có thể tự mình sáng tạo ra sản phẩm sữa như khách hàng mong muốn hoặc cũng có thể dùng các sản phẩm cạnh tranh tương tự để nghiên cứu, phát triển thành công thức chế biến sáng tạo hơn, thơm ngon hơn, đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho khách hàng. Việc nghiên cứu này bao gồm cả việc thiết kế ra nhãn hiệu, mẫu mã cho bao bì sản phẩm.

Giai đoạn 3: Tiến hành sản xuất mẫu và chuẩn bị sản xuất hàng loạt.

Sau khi nghiên cứu thành công sản phẩm mới, TH cần tiến hành sản xuất mẫu và thử phản ứng của khách hàng về chất lượng sản phẩm, giá bán sản phẩm, mùi vị sản phẩm, mẫu mã sản phẩm,….bằng cách thực hiện những chương trình uống thử và thu thập phản hồi của khách hàng. Nếu sản phẩm được sự chấp nhận và đánh giá cao mới tiến hành sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường.

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược cạnh tranh sản phẩm sữa của công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH đến năm 2020 (Trang 88 - 90)