Giám đốc sản xuất Giám đốc kinh doanh
2.2.4.2 Luận cứ hình thành các phương án chiến lược
Chiến lược hạ thấp chi phí:
Chiến lược hạ thấp chi phí có đặc điểm là TH sẽ sản xuất những sản phẩm sữa phổ biến, giảm tối đa giá thành sản phẩm, có thể phân phối cho tất cả các thị trường cũng như các đối tượng khách hàng khác nhau có nhu cầu tương đối đồng nhất như nhau. Muốn vậy, TH phải tối thiểu hóa các chi phí chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh của mình. Ở mỗi quá trình trên, TH đều cần nâng cao hiệu quả, năng suất trên một đồng chi phí bỏ ra. Đối với chiến lược này, TH sẽ thực hiện chiến lược tiếp thị không phân biệt, tức là quảng cảo đại trà, không phân biệt các phân khúc thị trường khác nhau.
Chiến lược hạ thấp chi phí được hình thành từ sự kết hợp các điểm mạnh của TH với cơ hội thị trường. Điểm mạnh của TH là có nguồn nguyên liệu dồi dào, quy mô sản xuất lớn, nguồn nhân lực có trình độ cao, nguồn lực tài chính mạnh. TH rất có tiềm năng phát huy lợi thế từ quy mô để giảm thiểu chi phí, hạ giá thành sản phẩm, từ đó tận dụng được tối đa cơ hội về tiềm năng nhu cầu của thị trường.
Chiến lược tập trung chuyên môn hóa sản phẩm:
Lựa chọn chiến lược này có nghĩa là TH chỉ tập trung vào sản xuất và kinh doanh một hoặc một nhóm sản phẩm sữa nhất định, bán trên nhiều thị trường khác nhau. Với chiến lược cạnh tranh này, TH cũng thực hiện chiến lược quảng cáo không phân biệt đối với các thị trường khác nhau nhưng cần tập trung vào một hay một nhóm đối tượng cụ thể.
Với sự kết hợp giữa điểm yếu của TH với cơ hội, luận văn thấy rằng: Cơ hội của TH là nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng cao và đều, tiềm năng ngành sữa lớn. Nhưng TH là một công ty trẻ, hệ thống quản lý nhiều xáo trộn, sản phẩm ít mẫu mã, chủng loại, giá thành sản phẩm lại cao hơn so với mặt bằng chung, hệ thống phân phối hẹp, độ bao phủ thấp. Điều này đòi hỏi TH cần có một chiến lược sao cho có thể khắc phục được các yếu điểm kể trên, hoặc hạn chế các
yếu điểm đó để có thể tận dụng cơ hội có được. Chiến lược tập trung chuyên môn hóa sản phẩm có thể khắc phục điểm yếu về giá thành sản phẩm, mẫu mã, chủng loại, hệ thống phân phối hẹp bằng cách hướng tới các đối tượng có thu nhập cao nhằm tận dụng sự phát triển về nhu cầu và xu hướng sử dụng sản phẩm sữa chất lượng ngày càng gia tăng.
Chiến lược tập trung chuyên môn hóa có lựa chọn:
Tức là TH sẽ lựachọn một số phân khúc thị trường khác nhau có tiềm năng mà TH có thể phục vụ, phù hợp với mục tiêu và nguồn lực của công ty. Chiến lược tiếp thị phục vụ cho chiến lược tập trung chuyên môn hóa có lựa chọn cần chi tiết, cụ thể cho mỗi phân khúc thị trường riêng biệt.
Cũng với những điểm yếu về thương hiệu, giá thành sản phẩm, mẫu mã, chủng loại và thị trường còn hẹp, TH có thể xây dựng cho mình chiến lược chuyên môn hóa có lựa chọn. Chiến lược này có thể giúp TH lựa chọn cho mình những phân khúc thị trường khác nhau với từng loại sản phẩm khác nhau, hạn chế thách thức về sự phân hóa thu nhập hiện nay và giảm thiểu tính cạnh tranh với các hãng trong ngành. Mặt khác, TH còn có thể hạn chế ảnh hưởng từ điểm yếu về giá thành, thị trường và chủng loại của sản phẩm.
Chiến lược chuyên biệt hóa sản phẩm:
Với chiến lược này, TH sẽ chú trọng vào việc đầu tư, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sữa có sự khác biệt lớn về chất lượng, nổi trội hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại về mức độ thơm ngon, bổ dưỡng, sự cảm nhận về độ tươi thực sự của sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm sữa của TH có thể bán với mức giá cao hơn mức giá thị trường hiện tại. Về phương diện tiếp thị, TH sẽ phải thiết kế những chương trình tiếp thị khác nhau cho từng phân khúc thị trường. Nội dung tiếp thị phải làm nổi bật được lợi thế ưu việt của sản phẩm, chiếm được lòng tin NTD về sự khác biệt đó làm cho khách hàng sẵn sàng trả với giá cao hơn cho sự khác biệt đó.
Phương án chiến lược chuyên biệt hóa sản phẩm nhằm mục đích phát huy những điểm mạnh của TH và hạn chế thách thức đặt ra. Với lợi thế ưu việt của TH về chất lượng sản phẩm sữa, quy mô sản xuất, hoạt động truyền thông và nguồn lực tài chính,… hoàn toàn có thể vượt qua được các thách thức về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, nguồn nguyên liệu trong ngành thiếu hụt. Chiến lược chuyên biệt hóa sản phẩm còn có thể khắc được thách thức về thu nhập không đồng đều của NTD, sự cạnh tranh của các đối thủ, đồng thời khắc phục được điểm yếu về giá thành sản phẩm của TH.