- Khái niệm
Để cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho thị trường các nhà sản xuất phải bỏ tiền vốn trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Họ mong muốn cho các chi phí đầu vào thấp nhất và bán hàng hoá với giá cao nhất để sau khi trừ đi các chi phí còn số dư dôi để không chỉ sản xuất giản đơn mà còn tái sản xuất mở rộng, không ngừng tích lũy phát triển để sản xuất, củng cố và tăng cường vị trí của mình trên thị trường. Phần dư dôi ra đó các nhà kinh tế học gọi là lợi nhuận.
Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí.
Tổng lợi nhuận = Tổng doanh thu - Tổng chi phí. Hay π = TR - TC
π = P*Q - ATC*Q = (P - ATC)*Q Trong đó: π: Tổng lợi nhuận
ATC: Chí phí đơn vị sản phẩm Q: Khối lượng sản phẩm bán ra
P - ATC: Lợi nhuận một đơn vị sản phẩm
- Lợi nhuận là mục tiêu kinh tế cao nhất, là điều kiện tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Còn tối đa hoá lợi nhuận hoặc cực tiểu hoá chi phí sản xuất là hành vi và hoạt động làm tăng lợi nhuận hoặc giảm chi phí sản xuất, tức là phải làm gì để đạt được lợi nhuận cực đại cho doanh nghiệp. Tổng doanh thu của doanh nghiệp là số tiền mà doanh nghiệp đó kiếm được nhờ bán hàng hoá và dịch vụ trong một thời kỳ nhất định. Động cơ lợi nhuận là một bộ phận hợp thành quyết định tạo ra sự hoạt động thắng lợi của thị trường hàng hoá.
- Ý nghĩa: Lợi nhuận là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả và hiệu quả của quá trình sản xuất kinh doanh. Chỉ tiêu này phản ánh cả về mặt chất và mặt lượng của quá trình kinh doanh. Lợi nhuận cũng là căn cứ, là cơ sở để các doanh nghiệp đánh giá, nhìn nhận về sự phát triển và vị trí của mình trên thị trường.