Tổng doanh thu của người cung ứng là lượng tiền thu được do bán sản phẩm, nó được xác định bằng tích giữa lượng sản phẩm bán ra và giá bán sản phẩm đó.
Tổng doanh thu = Giá cả * Lượng sản phẩm bán ra Hay: TR = P*Q
Chúng ta thấy rõ ràng tổng doanh thu của người sản xuất bằng với tổng chi mua hàng hoá của người tiêu dùng. Do vậy, việc tăng hay giảm giá đều ảnh hưởng tới tổng doanh thu. Chúng ta nghiên cứu ví dụ:
Đường cầu về nhà ở cho sinh viên như sau:
Hình 3.9. Sự co dãn và tổng doanh thu P 300 A B 200 D 0 2 4 Q
Nhìn hình 3.9 ta thấy: Nếu giá nhà ở là 200 (nghìn đồng/phòng) thì cầu là 4 phòng và tổng doanh thu = 200*4 = 800 (nghìn đồng). Về mặt hình học, chúng ta biểu diễn bằng hình chữ nhật có chiều cao là 200 và chiều rộng là 4. Khi giá tăng lên 300 (nghìn đồng/phòng), tổng doanh thu 300*2 = 600 (nghìn đồng) được biểu diễn bằng hình chữ nhật có chiều cao là 300 và chiều rộng là 2.
Như chúng ta đã biết việc tăng giá sẽ làm giảm lượng cầu, vậy tổng doanh thu sẽ tăng hay giảm khi ta tăng giá. Sự thay đổi của tổng doanh thu sẽ phụ thuộc vào tốc độ giảm cầu so với tốc dộ tăng giá hay phụ thuộc vào sự co giãn của cầu đối với giá cả. Ở ví dụ trên khi giá tăng từ 200 lên 300 thì doanh thu giảm một lượng (800 – 600 = 200). Trong trường hợp này việc tăng giá sẽ làm giảm tổng doanh thu.
Vậy chúng ta có thể khái quát lại như sau:
- Giá tăng sẽ làm cho doanh thu tăng khi cầu không co giãn (hệ số co giãn < 1) giá và doanh thu vận động cùng chiều.
E = %∆Q/%∆P, E < 1 nghĩa là %∆Q < %∆P cầu ít co giãn trong miền giá. Nghĩa là giá giảm nhẹ thì cầu sẽ tăng nhanh và ngược lại, khi đó nếu giá giảm thì doanh thu sẽ giảm, khi giá tăng tổng doanh thu sẽ tăng ( do %∆Q < %∆P)
- Giá tăng sẽ làm cho tổng doanh thu giảm khi cầu co giãn (E > 1) giá và doanh thu vận động ngược chiều.
E = %∆Q/%∆P, E > 1 nghĩa là %∆Q > %∆P cầu tương đối co giãn trong miền giá. Nghĩa là: giá giảm nhẹ cầu sẽ tăng nhanh và ngược lại, khi đó nếu giá giảm thì doanh thu tăng nhanh và giá tăng nhẹ thì doanh thu giảm.
- Giá tăng sẽ không làm cho thay đổi tổng doanh thu nếu như cầu co giãn đơn vị (E = 1).
E = %∆Q/%∆P, E = 1 nghĩa là %∆Q = %∆P, cầu co giãn đơn vị, giá tăng cầu tăng nhưng mức tăng này là như nhau do vậy mà giá thay đổi không làm cho tổng doanh thu thay đổi.
Ta có bảng tóm tắt sau:
Mối quan hệ giữa độ co dãn của cầu đối với giá cả và tổng doanh thu
Nếu cầu là Giá cả tăng tổng doanh thu sẽ
Giá cả giảm tổng doanh thu sẽ
Co giãn (E>1) Giảm Tăng
Không co giãn (E<1) Tăng Giảm
CHƯƠNG 4: LÝ THUYẾT HÀNH VI NGƯỜI SẢN XUẤT
Trong các chương trước, chúng ta đã nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cầu thị trường, sự ưa thích, thái độ, hành vi người tiêu dùng. Ở chương này chúng ta nghiên cứu các khía cạnh của cung và khảo sát thái độ, hành vi của người sản xuất. Chúng ta xem xét các doanh nghiệp tổ chức sản xuất như thế nào để có hiệu quả, chi phí sản xuất thay đổi ra sao khi giá cả và đầu vào thay đổi. Nhưng chúng ta không đi sâu phân tích những đặc điểm kinh tế, những hình thức pháp lý của doanh nghiệp mà chỉ nghiên cứu hành vi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm giải quyết mối quan hệ giữa sản lượng, chi phí và lợi nhuận, doanh nghiệp quyết định như thế nào và tính toán các chi phí ra sao để có lợi nhuận tối đa.